Phân biệt từ chỉ hoạt động với từ chỉ trạng thái: Từ chỉ hoạt động và từ chỉ trạng thái đều là động từ nhưng từ chỉ hoạt động có thể nhìn thấy được, còn trạng thái thì không.
- Động từ chỉ hoạt động: là những từ chỉ sự vận động hướng ra phía bên ngoài, mình có thể nhìn thấy được.
Ví dụ: đi, nói, cười, khóc, học, viết…
Lưu ý: Động từ chỉ hoạt động, hành động có thể kết hợp với từ xong ở phía sau (ăn xong, đọc xong…)
- Động từ chỉ trạng thái: là những vận động diễn ra ở bên trong hoặc tự thân diễn ra (không có tác động nào cả), chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được.
Ví dụ: nghĩ, buồn, vui, ghét, rơi, ngã, chết, sống…
Lưu ý: Động từ chỉ trạng thái không kết hợp với xong ở phía sau (không nói : còn xong, hết xong, kính trọng xong, …).
Phân biệt từ chỉ hoạt động với từ chỉ trạng thái * Mấy lưu ý về động từ chỉ trạng thái:
- Các loại động từ chỉ trạng thái:
+ Từ chỉ trạng thái tồn tại (hoặc trạng thái không tồn tại): còn, hết, có… Ví dụ: Mẹ hết tiền rồi; Anh Chiến có hai em gái..
+ Từ chỉ trạng thái biến hoá: thành, hoá… Con chim bỗng hóa thành cây thị
+ Từ chỉ trạng thái tiếp thụ: được, bị, phải, chịu… Em bé không chịu ăn cháo
+ Từ chỉ trạng thái so sánh: bằng, thua, hơn, là…
- Phân biệt từ chỉ hoạt động với từ chỉ trạng thái Một số “nội động từ” sau đây cũng được coi là động từ chỉ trạng thái: nằm, ngồi, ngủ, thức, nghỉ ngơi, suy nghĩ, đi ,đứng , lăn, lê, vui, buồn , hồi hộp, băn khoăn, lo lắng… Các từ này có một số đặc điểm sau:
+ Một số từ vừa được coi là động từ chỉ hành động, lại vừa được coi là động từ chỉ trạng thái.
+ Một số từ chuyển nghĩa thì được coi là động từ chỉ trạng thái (trạng thái tồn tại).
VD : Bác đã đi rồi sao Bác ơi ! (Tố Hữu)
Anh ấy đứng tuổi rồi.
+ Một số từ mang đặc điểm ngữ pháp của tính từ (kết hợp được với các từ chỉ mức độ)
- Các ‘ngoại động từ” sau đây cũng được coi là động từ chỉ trạng thái (trạng thái tâm lí) : yêu, ghét, kính trọng, chán, thèm, hiểu… Các từ này mang đặc điểm ngữ pháp của tính từ, có tính chất trung gian giữa động từ và tính từ.
– Có một số động từ chỉ hành động dược sử dụng như một động từ chỉ trạng thái.
VD: Trên tường treo một bức tranh.
Dưới gốc cây có buộc một con ngựa.
- Động từ chỉ trạng thái mang một số đặc điểm về ngữ pháp và ngữ nghĩa giống như tính từ. Vì vậy, chúng có thể làm vị ngữ trong câu kể: Ai thế nào?
– Nội động từ: Là những động từ hướng vào người làm chủ hoạt động (ngồi, ngủ, đứng…). Nội động từ không có khả năng có bổ ngữ chỉ đối tượng trực tiếp mà phải có quan hệ từ.
V.D1: Bố mẹ rất lo lắng cho tôi
– Ngoại động từ: là những động từ hướng đến người khác, vật khác ( xây, phá, đập, cắt…). Ngoại động từ có khả năng có bổ ngữ chỉ đối tượng trực tiếp.
V.D2: Bố mẹ rất thương yêu tôi.
– Để phân biệt Nội động từ và Ngoại động từ, ta đặt câu hỏi: ai ? cái gì ? đằng sau động từ. Nếu có thể dùng một bổ ngữ trả lời trực tiếp mà không cần quan hệ từ thì đó là ĐT ngoại động (V.D2), nếu không được thì đó là ĐT nội động (V.D 1)
Hỏi : yêu thương ai ? > yêu thương tôi.
Lo lắng cho ai ? > lo lắng cho tôi. ( không thể hỏi: lo lắng ai ? )