Trong quá trình xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu”, hầu hết các bị cáo đã thừa nhận tội danh mà họ bị truy tố, tuy nhiên có hai bị cáo đặc biệt không thừa nhận tội, đó là cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng và Ngô Quang Tuấn, cựu chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giao thông vận tải.
Trong quá trình đối đáp, ông Ngô Quang Tuấn đã thay đổi lời khai và thừa nhận nhận tiền hối lộ hơn 1,8 tỉ đồng từ đại diện các doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay. Ông Tuấn bị cáo buộc nhận tiền này để giúp doanh nghiệp sớm có văn bản gửi Bộ Ngoại giao và đã bị đề nghị án phạt 5-6 năm tù.
Trái lại, Hoàng Văn Hưng (sinh năm 1980) vẫn kiên quyết kêu oan và khẳng định sẵn lòng “đánh đổi cả mạng sống để tìm lại sự trong sạch cho bản thân”. Tuy nhiên, theo Viện Kiểm sát (VKS), trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn đã khai nhận đã đưa cho Hưng hơn 2,2 triệu USD.
Tuy VKS chỉ xác định Hưng nhận 800.000 USD, còn số tiền còn lại hơn 1,4 triệu USD chưa đủ để kết luận Hưng đã nhận số tiền này. Kiểm sát viên đã đưa ra nhiều phân tích và khẳng định đã thận trọng, khách quan, và áp dụng tối đa nguyên tắc suy đoán vô tội đối với số tiền hơn 1,4 triệu USD, còn số tiền 800.000 USD mà Hưng bị cáo buộc chiếm đoạt thì “không có căn cứ để áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội”.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên cho đến lời nói sau cùng vẫn tiếp tục kêu oan và mong HĐXX xem xét khi cầm cân nảy mực. “Bị cáo khẳng định mình bị truy tố oan. Bị cáo tin HĐXX sẽ có cái nhìn thấu đáo nhất, khách quan, đưa ra phán quyết chính xác, đúng quy định nhất”, Hoàng Văn Hưng nói.
Chiều nay 28/7/2023, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra phán quyết với 54 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”.
Theo bản án, Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên, cựu trưởng phòng điều tra Cục An ninh điều tra, Bộ Công an được phân công điều tra vụ án “chuyến bay giải cứu” từ ngày 28/1/2022. Đến tháng 9/2022, Hưng bị điều chuyển công tác nhưng vẫn đưa ra thông tin gian dối để lừa tiền của Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công ty Blue Sky) thông qua cựu phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn.
HĐXX nhận thấy, bị cáo Hưng đã nhiều lần gặp gỡ bà Hằng tại nhà ông Tuấn để hướng dẫn khai báo, trong khi Bộ Công an cấm điều tra viên gặp gỡ người bị điều tra ngoài trụ sở.
Dựa vào các lời khai, chứng cứ, dữ liệu điện tử thu thập được, bản án xác định ông Hưng đã lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD. Có lần đưa tiền cho Hưng xong, ông Tuấn còn gọi điện cho Hằng và Hưng nói chuyện để thông tin về việc giao tiền này.
Với số tiền 1,8 triệu USD còn lại mà ông Tuấn khai, HĐXX nhận thấy chưa đủ cơ sở kết luận Hưng nhận số tiền này nên không xử lý.
Bản án nêu suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Hưng một mực kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội. Luật sư của bị cáo Hưng cũng đề nghị tòa trả tự do cho thân chủ hoặc hồ sơ để điều tra lại. Trước khi khởi tố, Cơ quan An ninh và VKS đã thu thập các chứng cứ và có nhiều buổi làm việc để Hưng giải trình các vấn đề liên quan. Điều tra viên cũng nhiều lần đề nghị Hưng viết bản tự khai để đảm bảo quyền tự bào chữa của mình nhưng bị cáo đều từ chối.
HĐXX cho rằng, Hưng không thành khẩn, quanh co, gian dối nên không có đủ cơ sở xác định về tính chính xác của các lời khai của bị cáo này. Bản án khẳng định bị cáo Hưng “không bị oan”.
Tòa dựa “vào các chứng cứ, lời khai người liên quan, dữ liệu camera an ninh quay lại cảnh Hưng nhận cặp da và các dữ liệu khác” để thấy rằng hành vi của cựu điều tra viên đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Theo bản án, Hưng là điều tra viên cao cấp nhưng lợi dụng chức vụ quyền hạn, lừa đảo số tiền đặc biệt lớn, đến nay vẫn không thành khẩn, không có thái độ ăn năn hối cải, không khắc phục hậu quả. TAND Hà Nội cho rằng cần phải đưa ra mức án cao hơn mức đề nghị 19-20 năm tù của VKS mới đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.
Hoàng Văn Hưng đã bị kết án chung thân vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.