Người chết mấy tiếng mới cứng? cái chết là quá trình tự nhiên của mọi cơ thể sống, đánh dấu điểm kết thúc cuộc đời của mỗi người. Tế bào bị phá vỡ, cơ thể cứng lại, các cơ quan tự tiêu hủy là những điều sẽ xảy ra khi con người qua đời.
Co cứng tử thi (tiếng Latinh: rigor mortis, trong đó rigor nghĩa là “sự cứng”, mortis nghĩa là “của cái chết”) là một giai đoạn sau cái chết khi các khớp xương trở nên cứng và khó dịch chuyển, nguyên nhân là do từng phần của các cơ co lại.
Co cứng tử thi ở người diễn ra sau 3-4 giờ và đạt cực đại cứng sau 12 giờ rồi dần dần giảm đi xấp xỉ sau 24 giờ tính từ thời điểm chết. Tùy thuộc nhiệt độ cũng như các điều kiện khác, co cứng tử thi có thể kéo dài xấp xỉ đến 72 giờ.
Xét dưới góc độ hóa sinh, khi còn sống, các cơ trong cơ thể cần adenosin triphosphat (ATP) để chuyển từ trạng thái co sang trạng thái thư giãn bằng cách bơm canxi ra khỏi tế bào. Tuy nhiên sau khi chết, hô hấp tế bào dừng lại dẫn đến cạn kiệt ôxy vốn được dùng để sản xuất ATP. Không còn ATP, các hoạt động bơm SERCA trong màng lưới cơ tương (sarcoplasmic reticulum) cũng chấm dứt khiến ion canxi khuếch tán từ nơi có nồng độ cao về nơi có nồng độ thấp (trong đơn vị co duỗi cơ – sarcomere), kết hợp với troponin và tạo thành cầu nối ngang giữa các protein myosin và actin. Các cơ vì thế lâm vào trạng thái co cứng cho đến khi xác chết bị phân hủy bởi enzyme nội sinh hoặc do vi khuẩn tiết ra. Khi này các đầu myosin tan rã dần và kết thúc sự co cứng.
Vào thời điểm chết, cơ thể diễn ra một trạng thái gọi là “mềm nhũn sơ cấp”, sau đó thì chuyển sang giai đoạn tất cả các cơ bắt đầu co cứng lại.
Từ hai đến sáu giờ sau chết, hiện tượng co cứng tử thi bắt đầu ở mí mắt, cổ và hàm; bốn đến sáu giờ kế tiếp, co cứng tử thi lan đến những cơ khác và nội tạng.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự bắt đầu của quá trình co cứng tử thi là tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe và tầm vóc cơ. Nhiều trường hợp không quan sát thấy hiện tượng co cứng tử thi trên trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đã chết do khối cơ của chúng còn nhỏ.
Mức độ co cứng tử thi được khoa học pháp y dùng để xác định gần đúng thời điểm chết và cũng để xác định liệu cái xác có bị di chuyển sau khi chết không. Trường hợp tử thi bị di chuyển sau khi chết (và trước khi diễn ra co cứng tử thi) thì khoa pháp y sẽ dựa vào kĩ thuật khác, chẳng hạn dựa vào hồ máu tử thi.
Một số nhân tố có thể ảnh hưởng lên quá trình co cứng tử thi và các nhà điều tra cần xem xét chúng khi ước lượng thời điểm chết, chẳng hạn nhiệt độ môi trường xung quanh. Nhiệt độ cao thì co cứng diễn ra nhanh, ngược lại nhiệt độ thấp thì co cứng diễn ra chậm.
Hồ máu tử thi là gì?
Hồ máu tử thi (tiếng Latinh: livor mortis, tiếng Anh: postmortem lividity, hypostasis, suggillation) là một dấu hiệu của sự chết. Đó là khi máu tụ lại ở phần dưới cơ thể và làm màu da biến thành màu đỏ hơi tía. Nguyên nhân là khi tim ngưng đập và máu ngừng tuần hoàn, các hồng cầu nặng sẽ chìm xuống xuyên qua huyết tương dưới tác động của trọng lực.
Hồ máu tử thi bắt đầu sau 20 phút đến ba giờ đồng hồ tính từ thời điểm chết và đông lại trong mao mạch trong bốn đến năm giờ đồng hồ. Sắc tím trên da đạt mức cực đại trong khoảng sáu đến 12 giờ đồng hồ. Màu da đỏ đậm đến độ nào là tùy thuộc vào mức độ giảm sút hemoglobin trong máu. Sự đổi màu da không diễn ra tại các vùng cơ thể tiếp xúc với mặt phẳng hoặc đồ vật khác, bởi tại các vùng đó mao mạch bị nén. Khi xác phân hủy, máu thấm qua thành mạch máu và gây biến màu các mô. Đây là nguyên nhân màu sẫm trên da được cố định.
Các nhân viên điều tra có thể dựa vào sự hiện diện hay thiếu vắng hồ máu tử thi để xác định xấp xỉ thời gian chết. Sự hiện diện của hồ máu tử thi cũng là chỉ báo khi nào thì hồi sức tim – phổi không còn có ích nữa, hoặc khi nào thì nên thôi việc hồi sức tim – phổi ấy lại.
Khoa học pháp y cũng dùng hồ máu tử thi để xác định liệu xác chết có bị di chuyển hay không, chẳng hạn nếu cái xác được tìm thấy trong tư thế úp mặt xuống đất nhưng hồ máu tử thi lại hiện diện trên lưng xác chết thì các nhà điều tra có thể kết luận rằng xác này vốn ngửa mặt lên trời.