Suy tim là là hậu quả của nhiều bệnh khác nhau như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, bệnh cơ tim… khiến tim không đáp ứng được và không bơm máu đi khắp cơ thể.
Khi bệnh nhân suy tim có dấu hiệu khó thở, độ khó thở sẽ được phân loại theo suy tim độ I, II, III, IV, hoặc thành 4 giai đoạn A, B, C, D.
Giai đoạn A là có nguy cơ suy tim, đối với người bị tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn nhịp tim, uống nhiều rượu bia. Chữa trị từ giai đoạn A sẽ hiệu quả nhất, nếu qua giai đoạn B bệnh sẽ nặng hơn, đến giai đoạn D rất khó khăn trong điều trị. Phòng ngừa suy tim vẫn là biện pháp quan trọng nhất.
Tùy thuộc vào suy tim trái, suy tim phải hay suy tim toàn bộ mà triệu chứng có thể khác nhau, theo tài liệu của Bộ Y tế.
Suy tim trái
a. Triệu chứng cơ năng:
- Khó thở khi gắng sức
- Cơn hen tim và phù phổi cấp: gây ra bởi sự tăng đột ngột áp lực mao mạch phổi bít (trên 25 mmHg) do suy tim trái cấp. Bệnh nhân khó thở dữ dội, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp và tiếng ran ẩm dâng lên nhanh chóng từ hai đáy phổi.
- Các triệu chứng khác: mệt mỏi do giảm cung lượng tim, ho, đau ngực, đái ít…
b. Triệu chứng thực thể:
Khám tim:
– Nhìn, sờ thấy mỏm tim đập lệch sang trái do giãn thất trái.
– Nghe tim: Ngoài các triệu chứng có thể gặp của một số bệnh van tim (nếu có) đã gây nên suy thất trái, các dấu hiệu thường gặp là: tần số tim nhanh, tiếng ngựa phi trái, thổi tâm thu do hở hai lá cơ năng…
Khám phổi: Thường thấy ran ẩm rải rác hai bên đáy phổi do ứ máu. Trong trường hợp cơn hen tim có thể nghe được nhiều ran rít và ran ẩm ở hai phổi, còn trong trường hợp phù phổi cấp sẽ nghe thấy rất nhiều ran ẩm to, nhỏ hạt dâng nhanh từ hai đáy phổi lên khắp hai phế trường như “thủy triều dâng”.
Huyết áp động mạch tối đa thường giảm, huyết áp tối thiểu lại bình thường nên số huyết áp chênh lệch thường nhỏ đi.
Suy tim phải
a. Triệu chứng cơ năng
– Khó thở: khó thở thường xuyên, ngày một nặng dần nhưng không có các cơn kịch phát như trong suy tim trái.
– Bệnh nhân có cảm giác đau tức vùng hạ sườn phải (do gan to).
– Mệt mỏi, tiểu ít
b. Triệu chứng thực thể
– Gan to, lúc đầu gan to căng do ứ nước, khi điều trị thuốc lợi tiểu thì gan nhỏ đi (gan đàn xếp), về sau gan trở nên xơ cứng và không còn dấu hiệu “đàn xếp” nữa.
– Tĩnh mạch cổ nổi, dấu hiệu phản hồi gan-tĩnh mạch cổ dương tính.
– Tím da và niêm mạc
– Phù: Phù mềm, lúc đầu chỉ khu trú ở hai chi dưới, về sau nếu suy tim nặng thì có thể thấy phù toàn thân, tràn dịch các màng (tràn dịch màng phổi, màng bụng…).
– Nghe tim: ngoài các triệu chứng của bệnh đã gây ra suy tim phải ta còn có thể thấy: Tần số tim thường nhanh, đôi khi có tiếng ngựa phi phải, tiếng thổi tâm thu nhẹ ở trong mỏm hoặc ở vùng mũi ức do hở van ba lá cơ năng. Tiếng thổi này thường rõ hơn khi hít vào sâu (dấu hiệu Rivero-Carvalho).
– Dấu hiệu Hartzer (tâm thất phải giãn nhìn thấy đập ở vùng mũi ức).
– Huyết áp tâm thu bình thường, nhưng huyết áp tâm trương thường tăng lên.
Suy tim toàn bộ
– Thường là bệnh cảnh của suy tim phải ở mức độ nặng:
– Bệnh nhân khó thở thường xuyên, phù toàn thân.
– Gan to nhiều, tĩnh mạch cổ nổi to
– Thường có thêm tràn dịch màng phổi, màng tim hay cổ chướng.
– Huyết áp tối đa hạ, huyết áp tối thiểu tăng, làm cho huyết áp trở nên kẹt.
Phân loại độ suy tim
Nguyên nhân suy tim trái: tăng huyết áp động mạch; bệnh van tim: hở van hai lá, hở hoặc hẹp van động mạch chủ đơn thuần hoặc phối hợp; viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim; rối loạn nhịp tim; bệnh tim bẩm sinh.
Nguyên nhân suy tim phải: bệnh phổi mạn tính (hen phế quản, viêm phế quản mạn, giãn phế nang, giãn phế quản, xơ phổi), nhồi máu phổi, tăng áp lực động mạch phổi tiên phát; gù vẹo cột sống và dị dạng lồng ngực; hẹp van 2 lá; bệnh tim bẩm sinh: hẹp động mạch phổi, thông liên nhĩ, thông liên thất.
Nguyên nhân suy tim toàn bộ: suy tim trái phát triển thành suy tim toàn bộ; viêm tim toàn bộ do thấp tim, viêm cơ tim; bệnh cơ tim giãn. Nguyên nhân khác: cường giáp trạng, thiếu vitamin B1, thiếu máu nặng, dò động mạch – tĩnh mạch.
Khi suy tim ở giai đoạn cuối, các bệnh nhân phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm. Mức độ nguy hiểm thì còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, thể trạng bệnh nhân…
Khó thở, phù, mệt mỏi là những triệu chứng khiến bệnh nhân suy tim phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên họ còn phải đối mặt với hàng loạt những biến chứng nguy hiểm khác như:
– Nhồi máu cơ tim, đột quỵ: Do hình thành các cục máu đông gây tắc các động mạch.
– Rối loạn nhịp tim khiến bệnh nhân đột tử: Do nhịp tim quá nhanh, rung thất… có thể dẫn tới nguy cơ đột tử.
– Tràn dịch màng phổi, phù phổi cấp: Bệnh gây ứ dịch ở phổi gây ra các cơn ho khan, tức ngực, khó thở…
– Hỏng van tim: Tim luôn phải gắng sức khiến các dây chằng và van tim dễ bị giãn hỏng.
– Thiếu máu: Các chức năng cơ thể bị suy giảm, nhất là thận khiến cơ thể bị thiếu máu.
– Tổn thương thận, gan: Suy tim khiến chức năng thận bị suy giảm. Ngoài ra, suy tim lâu ngày dễ dẫn đến xơ gan, suy gan.
Nhịp tim nhanh khi trên 100 lần/phút và nhịp tim chậm nếu dưới 60 lần/phút.