Tả cây bóng mát ngắn nhất thông thường được hướng dẫn tả cây bàng hoặc cây phượng ở sân trường, và nêu nổi bật công dụng làm bóng mát.
Trong tuần 28 môn Tiếng Việt lớp 4, phần tập làm văn miêu tả cây cối có bài viết tả một cây có bóng mát. Bài viết này sẽ giúp các em biết cách xây dụng đoạn tả bộ phận tả cây bàng hay xây dựng đoạn mở bài, đoạn kết bài trong bài văn miêu tả cây cối. Các em cũng dựa vào đây để có bài văn tả cây bóng mát, tả cây bàng trường em theo cách viết của học sinh tiểu học. Nếu muốn làm bài này ngắn. Em có thể bỏ các đoạn tả cây bàng theo mùa nhé.
Dàn ý tả cây bóng mát
a. Mở bài: Giới thiệu cây định tả: Cây gì? Ở đâu?
b. Thân bài:
- Tả bao quát hình ảnh của cây: Kích cỡ, tuổi cây, vị trí.
- Tả chi tiết từng bộ phận của cây: gốc, thân, rễ, lá, hoa (hoặc tả từng thời kì phát triển của cây).
- Tác dụng của cây: Làm bóng mát như thế nào?, nên gắn với hoạt động của học sinh.
c. Kết bài:
- Nêu ích lợi của cây. Tình cảm của em đối với cây.
- Ấn tượng của cây đối với mọi người.
Ví dụ 1:
Trước nhà em có một cây bàng. Cây bàng này đã được trồng rất lâu rồi.
Cây bàng mọi người thường trồng để che bóng mát. Cây bàng trước nhà em là bố em trồng cách đây khoảng 5 năm. Mặc dù không được chăm sóc tốt nhưng cây vẫn lớn nhanh và lá rất xanh tốt. Cây cao khoảng 5 mét, tán xoè rộng khắp sân nhà em. Lá cây hình giống chiếc quạt mo nhưng bé hơn một chút. Trên cây có nhiều cành đan xen lẫn nhau và trên những cành ấy có nhiều lá. Lá bàng khi non thì màu xanh mướt và là chồi bé, khi lớn tạo hình chiếc quạt to dần to dần. Lá già có màu vàng nhưng nhuốm đỏ tím.
Đến mùa bàng ra quả, từ những đầu cành xuất hiện những quả bé màu xanh hình bầu dục. Khi chín chúng ngả màu vàng xuộm, nếu ăn thì có vị hơi chát sau đó cảm thấy ngọt dần.
Mùa đông sang, cây bàng gần như trơ trọi chỉ còn cành bởi lá nó hầu như đã rụng hết. Những cành cây khẳng khiu còn lại tập trung chất dinh dưỡng để đến thời kì xuân đến cây đâm chồi mới lá mới. Cây bàng sẽ trở nên đầy sức sống khi xuân về. Các nhánh cây và lá cứ như thể đang reo vui như muốn nói với mọi người điều gì bằng ngôn ngữ cơ thể của nó.
Chúng em thường chơi đùa cùng nhau trước sân dưới tán cây nên rất mát. Hàng ngày, mẹ em hay quét những lá bàng rụng. Thỉnh thoảng em cũng phụ mẹ quét lá.
Cuộc sống hàng ngày của em đều có hình ảnh cây bàng. Nhờ có cây hàng che bóng mát mà nhà em lúc nào cũng mát mẻ.
Ví dụ 2
Trước cổng nhà em, có trông một cây sấu rất to và đẹp. Nghe mẹ bảo, năm nay cây sấu đó cũng đã hơn năm tuổi rồi.
Cây sấu rất cao, có khi phải gần 3m, vì nó còn cao hơn cánh cổng của nhà em nữa. Thân cây thẳng đứng, to như bắp chân người lớn, vô cùng chắc chắn. Bọc bên ngoài thân cây là lớp vỏ thô ráp, màu nâu sẫm. Ở phía dưới gốc, có mấy chỗ xám trắng như là bị mốc. Cách gốc khoảng gần một mét rưỡi, các cành bắt đầu tỏa ra. Các cành ở thấp to như cổ tay, các cành ở trên cao thì có phần bé hơn. Từ các cành đó, các nhánh con lại thi nhau tỏa ra, đan cài vào nhau, dày đặc. Khiến cả cây sấu nhìn từ xa như một cây nấm rơm màu xanh.
Lá cây sấu có hình như lá cây vải, cây nhãn, nhưng dài hơn và màu xanh ít sẫm hơn. Đặc biệt, so với các loại cây bóng mát khác như cây bàng, cây đa, thì lá của cây sấu dày hơn nhiều. Đến mức, mùa hè đứng dưới tán cây, thì thật khó để có thể xuyên qua vòm lá nhìn lên trời xanh. Vào khoảng tháng 5, tháng 6 cây sấu sẽ bắt đầu ra hoa. Hoa sấu nhỏ li ti, màu trắng pha chút xanh nhạt. Thường, hoa sấu mọc thành từng chùm, trên cả một cành dài như hoa lay-ơn. Thế nhưng, một phần vì hoa nhỏ, màu lại lẫn với lá, một phần vì tán lá quá dày và cao, nên thường khi hoa sấu nở, chẳng mấy ai phát hiện sớm. Chỉ khi hoa đã nở rầm rộ, trắng xóa thì người ta mới nhận ra. Khoảng gần ba tuần sau khi hoa nở thì sẽ kết quả. Giống như hoa, quả sấu mọc từng chùm xanh biếc. Khi lớn, quả sấu thường to bằng một chén rượu nhỏ của các bố, các ông. Ăn giòn và có vị chua nhẹ. Những quả sấu ấy, làm ra đủ các món ngon vào mùa hè. Nào là sấu dầm đường, hay sấu muối giòn, canh sấu, ô mai sấu… Đôi khi chỉ là một quả sấu chua với ít muối ớt cũng đủ làm tụi trẻ con thèm thuồng.
Mỗi ngày, khi đi qua cổng, em luôn nhìn thấy cây sấu đầu tiên. Nó như một người bảo vệ thầm lặng cho cả ngôi nhà. Em mong rằng, cây sẽ luôn khỏe mạnh, xanh tốt, để tiếp tục đồng hành cùng em qua thật nhiều, thật nhiều mùa hè nữa.
Ví dụ 3:
Ngay giữa sân trường tôi sừng sững một cây phượng. Tôi không biết “bác” được trồng từ lúc nào. Tôi chỉ biết rằng khi tôi cắp sách tới trưởng thì “bác” đã già, già lắm.
Nhìn từ xa, cây như một người khổng lồ, mái tóc màu xanh. Thân cây to, hai người ôm không xuể. vỏ cây xù xì nổi lên những u cục như người bị bướu. Nhưng ít ai biết rằng trong lớp vỏ xù xì đó dòng nhựa mát lành đang cuồn cuộn chảy để nuôi cây. Mùa xuân về, cây đâm chồi nảy lộc. Lá phượng giống lá me, mỏng, nhìn như những hạt cốm non. Những cành cây mập mạp như hàng trăm cánh tay đưa ra, đón ánh sáng mặt trời để sưởi ấm cho mình. Rồi những tiếng ve râm ran đầu tiên của mùa hạ cất lên, cây bắt đầu trổ hoa. Khi chưa muốn khoe vẻ đẹp của mình, hoa e lệ ẩn mình trong khi đài hoa xanh mỡ màng. Từng nụ, từng nụ uống sương đêm và tắm nắng mai rồi từ từ hé nở. Hoa phượng có năm cánh, mượt như nhung, toàn một màu đỏ thắm. Nhị hoa dài, xung quanh có một lớp phấn hung hung vàng. Hết mùa hoa, trên cây lấp ló những chùm quả phượng. Quả phượng giống quả bồ kết nhưng dài và to hơn.
Mỗi lần hoa phượng nở, lòng chúng tôi rộn lên bao cảm xúc, vừa vui lại vừa buồn, lại xen cả lo lắng. Tôi vui vì sắp dược nghỉ hè, buồn phải xa ngôi trường, còn lo lắng vì mùa thi đang đến. Các bạn ơi! Hôm nay bắt đầu ngày thi rồi đây. Buổi trưa, tôi vui vẻ đến khoe điểm mười đỏ chói với “bác” phượng già.
Hàng ngày, chúng tôi tưới nước cho cây. Đôi lúc lại có một số cậu học trò tinh nghịch trèo lên cây để hái quả. Làm sao quên được những kỉ niệm êm đẹp về người “bạn già” luôn chia sẻ niềm vui nỗi buồn với chúng tôi trong học tập. Thế rồi, chúng tôi phải nghỉ hè, xa bạn bè, xa cô giáo, xa “bác” phượng kính yêu.
Ví dụ 4:
Lớp em, đứa nào cũng thích cây bàng ở trước sân trường.
Chẳng hiểu cây được trồng từ năm nào mà nay ngọn đã vượt mái hiên nhà văn phòng. Nói là ngọn nhưng chỉ là cái tân lá tròn như cái bánh giầy to tướng che mát một góc sân. Vào những ngày hè oi bức, đứng dưới gốc bàng như đứng dưới một cái ô che nắng. Dưới tán lá xanh um, những cành bàng xòe ra tứ phía như những gọng ô lớn vậy. Có vài cành không theo kịp chúng bạn chạm tới tán lá, là là ngang đầu người lớn. Ở gần nách cành, những cành này to bằng cánh tay em, nhẵn thín vì những vết chân nhún nhảy hoặc những bàn tay nắm lấy để đu người của các bạn nam cao lớn. Thân bàng to bằng một vòng tay em nhưng xù xì, lồi lõm. Giữa thân có mấy cái u lồi ra như những củ nâu to ai gắn vào đó. Những cái u lồi ra đó thật tiện cho mấy bạn nghịch ngợm thích leo trèo, bám vào thân cây, đặt chân lên mấy bậc đã với tới tán bàng. Rễ bàng lan rộng gần bằng tán bàng. Nhiều cái rễ rộp lên to bằng thân cây hồng, uốn lượn trên mặt đất. Đó cũng là những chiếc “ghế” cố định cho chúng em ngồi đánh bài trong giờ ra chơi hay nghỉ giải lao trong các buổi lao động.
Tiết thu đến, lá bàng chuyển dần sang màu vàng rồi hung hung và đỏ sẫm lúc đông về. Cả tán bàng sum suê chỉ còn lại những cành trơ trụi khẳng khiu trông như bàn tay của những ông già khó tính.
Dưới gốc bàng, phủ đầy những lớp lá khô cong như những cái bánh tráng. Chiều chiều, bác lao công quét gom lại để nấu nước cho các thầy cô giáo uống. Chỉ mấy hạt mưa bay đầu mùa em đã nghe các chồi non tí tách nứt mầm. Các búp bàng trông giống những ngọn nến xanh lung linh khắp đầu cành. Ấy là lúc mùa xuân đến. Chẳng bao ngày nữa, tán bàng xòe rộng che mát cho chúng em vui chơi, nô đùa ở sân trường.
Rồi đây, đến ngày xa mái trường thân yêu, em sẽ mang theo nhiều kỉ niệm của thời thơ ấu bên gốc bàng thân thuộc giữa sân trường này như một hồi ức đẹp.