Nhiều người đang tìm kiếm phép thần làm họ khỏe mạnh, gọn gàng và thon thả hơn.
Và tất nhiên chúng ta muốn đạt được điều đó một cách dễ dàng.
Chúng ta luôn đầy sự lạc quan. Chúng ta luôn nghĩ rằng mình sẽ trở nên tốt hơn trong tương lai.
Cũng giống như việc chúng ta tin rằng có thể xây một cái nhà bếp mới chỉ trong vòng mấy ngày cuối tuần hoặc, hoàn thành một dự án công việc trong một buổi chiều, chúng ta nghĩ rằng trong tương lai chúng ta sẽ tổ chức cuộc sống tốt hơn và có kỷ luật với bản thân hơn.
Một trong những ví dụ của việc thất bại trong kế hoạch đã đề ra là cuốn Từ điển tiếng Anh Oxford. Trong năm 1860, đã có những kế hoạch được đề ra nhằm hoàn thành cuốn từ điển này trong ba năm. Đến năm 1879 có kế hoạch mới để hoàn thành nó trong 10 năm, nhưng năm năm sau đó, tất cả những gì đạt được mới chỉ là duy nhất mỗi một từ, ‘ant’ (kiến).
Cuốn từ điển cuối cùng đã hoàn thành trong năm 1928, và khi đó nó đã bị xem là lỗi thời, cần được biên tập sửa đổi ngay lập tức.
Việc cố gắng thay đổi phong cách sống cũng giống vậy. Bạn đọc được một ý tưởng mới và bạn cảm thấy tràn đầy sự lạc quan. Bạn tin chắc rằng lần này mọi thứ sẽ thay đổi.
“Hội chứng hy vọng giả”
Tại Đại học Toronto, Janet Polivy đã nghiên cứu điều mà bà gọi là “hội chứng hy vọng giả”.
Bà nhận ra những người đặt ra các mục tiêu phi thực tế và cuối cùng không thể thực hiện sẽ cảm thấy rất tồi tệ về bản thân.
Một số sinh viên mà bà nghiên cứu đã cố gắng và thất bại trong 10 năm liên tiếp trong việc thay đổi cuộc sống của mình, nhưng mỗi năm họ đều tin rằng lần này họ sẽ thành công.
Khi nói về chế độ ăn kiêng, nhiều người bắt đầu ăn kiêng đến 15 lần trong một năm.
Không những họ lạc quan về khả năng thành công, mà còn về sự thay đổi mà việc giảm cân có thể mang lại cho cuộc sống của họ về sau.
Họ tin rằng họ sẽ không những tìm được bạn trai mới, mà còn có được công việc tốt hơn hoặc đạt điểm tốt hơn.
Vậy nhưng ngay cả khi họ đã thành công trong việc giảm cân, nhiều người cũng cảm thấy thất vọng vì cuộc sống của họ cũng không cải thiện được bao nhiêu.
Hãy đặt mục tiêu phù hợp với thực tế
Đôi lúc những mục tiêu chúng ta đặt ra là quá cao.
Polivy nhận ra rằng nếu người ta đạt mục tiêu đi phòng tập hai tuần một lần, nhưng sau đó chỉ đi có một lần, họ sẽ cảm thấy thất vọng, dù đó đã là một bước tiến lớn so với trước.
Họ cũng không xem việc tập luyện một lần một tuần là sự tiến bộ, mà cho đó là bằng chứng của sự thất bại.
Khi bà đặt ra một mục tiêu giảm cân thực tế hơn để thử độ chính xác của thuyết bà đưa ra, bà nhận ra rằng nếu các sinh viên đặt ra mục tiêu thực tế hơn, nhiều người đã giảm cân thành công và cảm thấy hài lòng với kết quả.
Một trong những lý do khiến việc ăn kiêng khó khăn là do các thức ăn có nhiều chất béo và đường đều có vị rất ngon.
Hàng nghìn năm qua, chúng ta đã bị hấp dẫn bởi những loại thức ăn này và cũng không biết là liệu chúng có trở nên hiếm trong tương lai hay không.
Giờ đây, chúng tràn ngập ở khắp nơi trên thế giới.
Lời khuyến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng rằng hãy ăn ít hơn và tập luyện nhiều hơn vẫn không hề thay đổi, nhưng điều đó cũng không khiến chuyện giảm cân trở nên dễ dàng hơn.
Đó là lý do vì sao chúng ta lại hứng thú với việc thử những phương pháp mới mà chúng ta tin rằng có thể giúp mình giảm cân thành công.
Vấn đề là rất khó để phán đoán điều gì sẽ xảy ra trong tương lai dài.
Tôi đã tải một ứng dụng giúp đếm các bước đi trên điện thoại và vài tuần đầu, tôi đã rất hứng khởi vì đạt được mục tiêu đi 10 nghìn bước đi mỗi ngày.
Giờ đây tôi nhận ra là dù tôi có đi đủ xa hay không, tôi vẫn không thể ngưng nhìn vào ứng dụng này.
Tính đến năm 2013, cứ trong năm người trưởng thành ở Hoa Kỳ thì có một người sử dụng một loại thiết bị theo dõi sức khoẻ nào đó.
Đến năm 2018, dự kiến sẽ có khoảng 485 triệu người trên thế giới sử dụng một loại thiết bị đếm bước đi nào đó.
Việc đếm bước đi thực tế sẽ giúp bạn đi xa hơn, và một loạt các thử nghiệm ở Đại học Duke tại Hoa Kỳ cho thấy việc nói với ai đó rằng họ đã bước đi bao nhiêu bước, đọc bao nhiêu trang giấy hoặc đã tô màu bao nhiêu khối hình, sẽ giúp người ta đi xa hơn, đọc nhiều hơn và tô màu nhiều hơn.
Tuy nhiên có một vấn đề. Trong thử nghiệm, các sinh viên được cho phép dùng máy đo và một nửa được yêu cầu kiểm tra máy thường xuyên, trong khi một nửa được yêu cầu che màn hình, đồng nghĩa với việc họ không thể nhìn thấy số bước đi của mình.
Những người biết được họ đã đi bao nhiêu bước đi trên thực tế đã đi xa hơn, nhưng không thực sự cảm thấy thích thú.
Với việc đọc, một khi máy đếm số trang được lấy đi, người ta lại đọc ít hơn.
Các nhà nghiên cứu không đo tác dụng về lâu dài của một máy đếm số bước đi, nhưng có quan ngại rằng nếu bạn bắt đầu xem việc đi bộ như một công việc thay vì một thú vui, thì bạn sẽ làm điều này ít dần đi.
Điều này cũng giống như các thử nghiệm được thực hiện hồi năm 1970, khi trẻ em được trả tiền để giải đố hoặc tô màu. Những đứa trẻ này đã ngừng ngay việc đang làm khi đến giờ nghỉ, trong khi những đứa trẻ khác thì vẫn tiếp tục.
Phá bỏ thói quen
Cho đến nay vẫn không có phép màu nào, nhưng việc thử các chiến thuật mới có thể có một lợi ích với điều kiện là chúng ta chớ cảm thấy quá thất vọng nếu thất bại. Chúng ta có thể phá vỡ một thói quen.
Tại Đại học Hertfordshire, Karen Pine và Ben Fletcher đã thử một chế độ ăn mà không kèm theo chế độ luyện tập hay cấm các món ăn nào, nhưng yêu cầu người tham gia làm một điều gì đó khác đi mỗi ngày.
Thử nghiệm này dựa trên một nghiên cứu trong đó cho thấy người béo phì thường ít linh hoạt hơn những người khác và họ thường có xu hướng lặp đi lặp lại các hoạt động.
Giải pháp đối với những người này là tìm cách mang lại sự thay đổi cho các hoạt động thường xuyên được thực hiện theo thói quen.
Mỗi tuần, những người này sẽ chọn ra hai hoạt động mới từ danh sách 50 hoạt động, bao gồm vẽ, đi làm bằng những tuyến đường mới hoặc thậm chí chỉ thay đổi các kênh radio.
Ý tưởng đằng sau việc này đó là phá vỡ thói quen thường xuyên và từ đó giúp những người này ăn ít calories hơn và tập luyện thường xuyên hơn.
Trong một bài sát hạch nhỏ, điều này đã tỏ ra hữu hiệu.
Các nhà nghiên cứu trong năm 2014 ở Phần Lan đã thử ý tưởng đưa ra một chế độ ăn kiêng linh hoạt, trong đó những người tham gia phải tuân theo các quy tắc nghiêm khắc về việc hạn chế calorie trong bảy tuần liền, sau đó, họ sẽ được phép có thêm nhiều sự lựa chọn về món ăn. Điều này đã giúp những người này tránh tăng cân về dài hạn.
Như vậy có lẽ chúng ta không cần phải lo sợ về việc thử các chiến thuật mới để giúp chúng ta ăn ít lại và hoạt động nhiều hơn.
Nhưng có lẽ chúng ta cũng cần kiểm soát sự lạc quan của mình một chút và chấp nhận rằng không có phép màu nào cả./.