Đỉnh Everest (đỉnh Chomolungma) thuộc dãy núi Himalaya, là đỉnh núi cao nhất trên Trái Đất khi so với mực nước biển. Dãy núi Himalaya trải khắp 7 quốc gia: Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Myanma và Afghanistan. Nó cũng là nơi khởi nguồn của 3 hệ thống sông lớn trên thế giới, đó là lưu vực các sông như sông Ấn, sông Hằng-Brahmaputra và sông Dương Tử.
Hệ thống núi Himalaya là dãy núi cao nhất hành tinh và là nơi của 14 đỉnh núi cao nhất thế giới: các đỉnh cao trên 8.000 m, bao gồm cả đỉnh Everest. Để thấy được kích thước khổng lồ của những dãy núi trong dãy Himalaya, hãy so với Aconcagua, trong dãy Andes, với độ cao 6.962 m, là đỉnh cao nhất bên ngoài Himalaya, trong khi hệ thống núi Himalaya có trên 100 núi khác nhau vượt quá 7.200 m.
Everest nghĩa là gì?
Nằm giữa biên giới Tây Tạng và Nepal, Everest là đỉnh núi cao nhất thế giới. Năm 2007, nơi này có độ cao 8.848 m so với mực nước biển. Do vận động kiến tạo địa chất, đỉnh núi này vẫn cao thêm 2,5 cm mỗi năm.
Người Nepal gọi đỉnh núi này là Sagarmatha, nghĩa là Trán trời. Còn người Tây Tạng gọi đó là Chomolangma tức Thánh mẫu vũ trụ.
Có thể nói khu vực núi Everest là nơi có môi trường khắc nghiệt nhất hành tinh. Nhiệt độ trung bình trên núi là -19 độ C vào mùa hè và -36 độ C vào mùa đông. Ngoài ra, độ cao của Everest cũng là một thử thách.
Leo núi Everest có những nguy hiểm gì?
Người leo đỉnh Everest phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu oxy, trượt ngã, thời tiết băng giá, gió bão. Nhưng nguy hiểm nhất là những cột băng khổng lồ có kích thước bằng tòa nhà, những tháp băng bấp bênh sẵn sàng sụp xuống bất kỳ lúc nào. Nếu bạn bước vào sai chỗ đúng lúc cột băng di chuyển thì đó là tai họa khủng khiếp. Bạn sẽ không còn thời gian để nhảy ra ngoài, không có nơi nào để đi và bị nghiền nát.
Mặc dù cực kỳ khắc nghiệt nhưng ngọn núi tuyết bên rặng Himalaya hùng vĩ này luôn hấp dẫn du khách khắp nơi trên thế giới. Đứng trước Everest không những cho người ta thấy một thắng cảnh vĩ đại mà trên hết là cảm xúc được chinh phục thiên nhiên và vượt lên chính mình.
Kể từ lần đầu tiên có người chinh phục thành công đỉnh “Thánh mẫu vũ trụ” năm 1953 cho đến ngày nay, Everest vẫn là cái tên đầy khát khao của những nhà leo núi chuyên nghiệp. Hàng năm, riêng tại Nepal đã có hàng trăm người đăng ký chinh phục đỉnh Everest.
Không những có nghiệp vụ leo núi, thể lực tốt, gan dạ kiên trì, đó còn là cuộc chinh phục không dành cho người nghèo. Tại Nepal, người leo núi sẽ được chính phủ cấp phép sau khi đã đóng một khoản phí không nhỏ, trước kia là 25 ngàn USD/người và đầu năm 2014 đã hạ xuống 12 ngàn USD/người. Khoản phí đó bao gồm chi phí thuê người Sherpa (một dân tộc địa phương rất giỏi leo núi) và trâu yak (trâu lùn) thồ hành lý./.