Ghép phổi cho phi công người Anh không thể nhận phổi từ người hiến tặng còn sống do kích thước phổi trưởng thành lớn, ghép phức tạp…
Ghép phổi là một phẫu thuật lấy bỏ phổi bệnh và thay thế bằng phổi lành của người hiến có thể từ người còn sống hoặc người chết. Tiến hành phẫu thuật ghép phổi có thể diễn ra ở một bên phổi hay cả hai bên.
Có thể tiến hành ghép phổi trên người từ trẻ sơ sinh đến người lớn dưới 65 tuổi. Đối với những trường hợp trên 65 tuổi cần cân nhắc những nguy cơ có thể xảy ra nếu tiến hành ghép phổi.
Các phương pháp ghép phổi bao gồm:
- Ghép một phổi
- Ghép hai phổi
- Ghép hai bên tuần tự ở hai thời điểm khác nhau, còn gọi là ghép hai bên đơn lẻ
- Ghép tim phổi
Đa số những trường hợp ghép phổi đều lấy từ người đã chết. Một số ít trường hợp lấy từ người sống, khỏe mạnh không hút thuốc và phù hợp miễn dịch với người nhận có thể cho một thùy phổi.
Bệnh nhân 91, 43 tuổi, phi công người Anh của hãng Vietnam Airlines đã trải qua 2 tháng điều trị, trong đó có tới 44 ngày phải sử dụng ECMO.
Hiện phổi bệnh nhân đã giảm đông đặc thêm 10%, xuống còn 80% nhưng bệnh nhân vẫn còn rất nặng. Trong chiều 19/5/2020, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã thống nhất chuyển bệnh nhân về trung tâm điều trị chuyên sâu về hồi sức tích cực tại BV Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị nội khoa, trước khi có các chỉ định ghép phổi, ghép thận (nếu có).
Khi biết bệnh nhân 91 nguy kịch, phương án cứu sống cuối cùng là ghép phổi, rất nhiều người dân đã tha thiết xin hiến một phần phổi cứu bệnh nhân. Đến nay, số người đăng ký hiến phổi cho phi công người Anh đã vượt qua con số 60. Đây là những nghĩa cử vô cùng đáng trân trọng.
Tuy nhiên, Bộ Y tế quyết định lựa chọn phổi từ người chết não.
Nguyên nhân: Việc ghép tạng nguyên khối sẽ đơn giản hơn, hậu phẫu thuận lợi hơn vì chỉ có miễn dịch của 1 người.
Ghép phổi từ nguồn cho sống chỉ phù hợp với trẻ em do trọng lượng cơ thể thấp, thể tích phổi nhỏ nên có thể lấy 2 phần phổi nhỏ từ 2 người thân để ghép. Sau ghép, phổi bệnh nhi sẽ nở dần.
Với người hiến tặng, do cắt một phần nhỏ phổi nên chức năng phổi của người hiến không bị ảnh hưởng quá nhiều, tuy nhiên không thể làm việc nặng hay chơi các môn thể thao gắng sức.
Với người lớn, phổi kích cỡ lớn, khối lượng cho sẽ lớn sẽ biến 1 người bình thường (hiến phổi) thành tàn phế. Chưa kể, nếu ghép phổi người lớn từ người cho sống, sẽ cần ít nhất 3 – 4 người cho. Nếu có thành công, việc chăm sóc sau ghép, đặc biệt về miễn dịch sẽ vô cùng khó khăn.
Với nguồn tạng chết não, thể tích phổi người tặng phải tương đương phổi của bệnh nhân 91, không được chênh lệch quá 30%. Nguồn tạng ghép cũng phải đáp ứng các điều kiện về miễn dịch và nhiều chỉ số hoà hợp khác.
Dù vậy, với tình hình sức khoẻ hiện tại, bệnh nhân 91 vẫn chưa thể ghép phổi khi có tới 3 chống chỉ định trong đó có nhiễm trùng phổi, suy đa tạng, chưa có người bảo hộ. Khi ghép, có thể thành công về mặt kĩ thuật, nhưng tỉ lệ hồi phục rất thấp, do đó cần tiếp tục chờ đợi quá trình điều trị nội khoa.
Các bệnh viện ghép phổi tại Việt Nam
Bệnh viện quân y 103, Bệnh viện Việt Đức. Ca ghép phổi thành công đầu tiên ở Việt Nam là ca ghép tại Viện 103, năm 2017
Chi phí ghép phổi
Chi phí ghép phổi cho bệnh nhân người Anh khoảng 64 ngàn đô la Mỹ, tương đương 1,5 tỷ đồng.