Phạm Ngọc Thảo là điệp viên xuất sắc nhất, đi thẳng vào hàng ngũ kẻ thù, tung hoành hoạt động vì Tổ quốc cho tới tận lúc hy sinh, trường kỳ mai phục và độc lập tác chiến. “Anh là người tình báo đặc biệt có một không hai”, theo nhà văn Trần Bạch Đằng.
Lịch sử tình báo thế giới đã lưu danh rất nhiều điệp viên huyền thoại, nhưng nhiệm vụ mà nhà tình báo cách mạng Phạm Ngọc Thảo đã làm, đến nay vẫn được coi là “có một không hai”.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nhận định: “Anh Phạm Ngọc Thảo đã nhận một nhiệm vụ đặc biệt, chưa từng có tiền lệ trong công tác cách mạng của chúng ta”.
Cán bộ tình báo mưu trí, sáng tạo
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Thảo sinh ngày 14/2/1922 tại tỉnh Long Xuyên, là nhà tình báo cách mạng của quân đội ta, người đã dùng báo chí làm vũ khí sắc bén để hoạt động trong lòng địch.
Với bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, với ý thức kỷ luật cao, ông luôn thể hiện là một cán bộ tình báo mưu trí, sáng tạo, giành thế chủ động tấn công địch.
Khi hiệp định Geneve được ký kết, Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo được đích thân Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn chỉ định ở lại miền Nam, với nhiệm vụ chiến lược là thâm nhập vào hàng ngũ cấp cao của chính quyền Sài Gòn để “phục vụ cho mục tiêu thống nhất đất nước”.
Thực hiện nhiệm vụ bí mật mà tổ chức giao cho, bằng những hoạt động khéo léo và đầy biến hóa của mình, tranh thủ những yếu tố tranh tối tranh sáng đầy bất ổn của chính trường Sài Gòn, chiến sĩ tình báo Phạm Ngọc Thảo đã xây dựng được cho mình vị trí khá nổi bật trong xã hội với những mối quan hệ thượng lưu đa dạng và rộng rãi.
Từ đầu năm 1957, sau khi tham gia biên tập nguyệt san Bách Khoa (ấn phẩm của nhóm trí thức đảng Cần Lao), Phạm Ngọc Thảo đã trở thành một tác giả thường xuyên xuất hiện trên ấn phẩm này, với những bài nghiên cứu về các hình thái chiến tranh nhân dân…
Ông đã phân tích rất hay và hấp dẫn về chiến lược, chiến thuật, về nghệ thuật cầm quân, về binh pháp Tôn tử và cách dụng binh của Trần Hưng Đạo… Những bài báo của ông đã thu hút được sự chú ý của giới quân sự Sài Gòn lúc đó, thậm chí của cả tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu…
Ông được chính quyền Ngô Đình Diệm trọng dụng. Ông gia nhập vào Ban Tuyên huấn của Đảng Cần Lao. Sau khi được thăng quân hàm thiếu tá, ông rút về làm việc tại Sở Nghiên cứu chính trị – xã hội (cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống) do Trần Kim Tuyến làm Giám đốc.
Trong thời gian được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre), với bình phong bất lợi nhưng ông đã cung cấp được nhiều tin tức, tài liệu liên quan đến các cuộc hành quân của địch trong tỉnh và quân khu, đã ngăn chặn và hạn chế thiệt hại do các cuộc hành quân quy mô lớn của địch gây ra.
Lợi dụng chức vụ tỉnh trưởng, ông đã đẩy được một trung đoàn của Sư đoàn Bộ binh 3 của ngụy, 5 tiểu đoàn biệt động do địch đưa về đàn áp phong trào du kích Bến Tre ra khỏi tỉnh. Hoặc khi địch mở cuộc hành quân ở khu vực nào đó, ông đã bí mật báo cho lực lượng ta biết để đối phó…
Chỉ trong thời gian ngắn làm tỉnh trưởng, ông đã thả hơn 2.000 tù chính trị và khôn khéo lái các cuộc hành quân tảo thanh vào chỗ không người, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn lực lượng cách mạng, tạo điều kiện mở rộng cuộc Đồng khởi ở miền Nam.
Cuối năm 1961, do bị nghi ngờ là nội tuyến của Việt Cộng, nên địch điều ông đi học nước ngoài, đến giữa năm 1962 về đảm nhiệm chức Tham vụ chuyên môn Phủ Tổng thống. Ông bí mật móc nối tổ chức lực lượng, kéo tướng Lâm Văn Phát và hàng chục sĩ quan khác tiến hành cuộc đảo chính ngày 19/2/1965.
Cuộc binh biến do tướng Lâm Văn Phát cầm đầu về danh nghĩa, thực tế do Phạm Ngọc Thảo tổ chức và chỉ huy, vì vậy người ta còn gọi ông là “Tư lệnh hành quân 19/2”.
Ngày 16/7/1965, Phạm Ngọc Thảo bị quân đội Việt Nam Cộng hoà bắt đưa về Tam Hiệp, Biên Hoà. Bị tra tấn dã man, đêm 17/7/1965, Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã hi sinh, khi ông mới 43 tuổi.
Điệp viên có một không hai
Nhiều nhà phân tích tình báo quốc tế đã gọi Phạm Ngọc Thảo là “điệp viên có một không hai” vì ông là điệp viên hoạt động đơn tuyến, không có đồng đội trực tiếp hỗ trợ, chỉ chịu sự chỉ đạo về chiến lược của Trung ương. Nhiệm vụ của ông không phải là thu thập tin tức mà là tác động đến sự “rối loạn chế độ ngụy quyền”.
Bằng hoạt động của mình, Phạm Ngọc Thảo là người có thể tác động trực tiếp đến ngụy quân, ngụy quyền. Là sĩ quan cao cấp trong Quân lực Việt Nam cộng hòa, ông đã trực tiếp đạo diễn và tham gia chỉ đạo hàng loạt vụ đảo chính làm rung chuyển, gây mất ổn định chính phủ ngụy quyền những năm 1964-1965.
Trong cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái quân đội ngụy, Phạm Ngọc Thảo bị xem là đối tượng nguy hiểm và bị đe dọa tính mạng bất cứ lúc nào. Mặc dù vậy, ông vẫn tiếp tục nhiệm vụ mà không trốn chạy để bảo toàn tính mạng.
Thậm chí, cả khi bị bắt và tra tấn dã man, tàn bạo đến chết, Phạm Ngọc Thảo vẫn không hé lộ tung tích của mình. Mãi sau này, khi ông được truy phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, người ta mới biết ông là điệp viên cộng sản.
Đồng chí Trần Bạch Đằng (bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý), nguyên Phó trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, nhận xét: “Các nhà tình báo thông thường có nhiệm vụ giấu mình, thu thập, khai thác tin tức chuyển về trung tâm.
Riêng Phạm Ngọc Thảo đi thẳng vào hàng ngũ kẻ thù, tung hoành hoạt động vì Tổ quốc cho tới tận lúc hy sinh, trường kỳ mai phục và độc lập tác chiến. Anh là người tình báo đặc biệt có một không hai”.
Đến nay, sự bí ẩn xung quanh đến con đường hoạt động tình báo của Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo vẫn chưa được giải mã hoàn toàn. Có nhà báo đã viết: “Sự bí ẩn không phải vì xung quanh ông vẫn còn những bí mật quân sự, cũng không phải xung quanh ông có những điều “nhạy cảm” khó nói.
Khó giải mã là do tầng tầng lớp lớp những biến cố lịch sử, những quan hệ, sự thiên biến vạn hóa của chiến lược, chiến thuật, kỹ thuật, nghệ thuật chiến tranh tồn tại trên chiến trường, trên chính trường và trong cuộc sống nhưng nằm ngoài sách vở và các bản tổng kết”.
Cho tới phút cuối cùng của đời mình, chiến sĩ tình báo Phạm Ngọc Thảo vẫn trung thành với lý tưởng mà ông đã chọn từ thời trai trẻ.
Ngày 30/8/1995, ông được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và quân hàm Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Những năm ấy, rất ít người biết Phạm Ngọc Thảo là một nhà tình báo, người ta chỉ biết ông là một sĩ quan có khả năng chính trị và ngoại giao. Sau ngày Việt Nam thống nhất, nhiều đồng đội đã vô cùng chua xót khi thấy mộ ông vẫn chỉ là nấm mồ vô danh. Họ đã sưu tầm tư liệu, đề nghị Nhà nước truy tặng ông danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân…
Rất nhiều nước mắt xúc động, cảm thương của những người chiến binh già đã rơi khi kể lại câu chuyện về ông. Năm 1987, Nhà nước Việt Nam truy tặng ông danh hiệu liệt sĩ, với quân hàm đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hiện nay, mộ Phạm Ngọc Thảo được đưa về nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh, trên đồi Lạc Cảnh (quận Thủ Đức). Mộ ông nằm cạnh mộ những tên tuổi nổi tiếng như Lưu Hữu Phước, Phạm Ngọc Thạch, Can Trường… Tên ông được đặt tên cho một con đường tại thành phố Hồ Chí Minh.
Mãi tới 12 năm sau ngày hòa bình, Nhà nước Việt Nam mới chính thức công nhận liệt sĩ và phong anh hùng cho Phạm Ngọc Thảo. Ông Mười Hương đã nói: “Phong anh hùng 10 lần cho Phạm Ngọc Thảo cũng xứng đáng, nhưng chưa thể được, vì vợ con Thảo đang ở Mỹ. Khi chiếu phim Ván bài lật ngửa, tôi gọi cho ông Trần Độ (lúc ấy làm Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương) bảo hãy cấm cái phim đó đi, đừng làm hại vợ con Phạm Ngọc Thảo”. Ông Phạm Xuân Ẩn cũng từng nói sau khi Phạm Ngọc Thảo bị giết chết, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã đề nghị chính quyền Mỹ trục xuất vợ con ông Thảo, lúc đó ở Mỹ có một cuộc vận động bảo vệ vợ con ông Thảo, ngay cả những nhà báo Mỹ chống cộng cũng phản đối sự trục xuất này, vì vậy mà vợ con ông Thảo vẫn bình an vô sự cho đến bây giờ.