Sao Kim là hành tinh thứ hai trong Hệ Mặt trời, tự quay quanh nó với chu kỳ 224,7 ngày Trái đất.
Sao Kim còn có tên gọi khác là sao Thái Bạch, hay Venus.
Sao Kim được xếp vào nhóm hành tinh đất đá và đôi khi người ta còn coi nó là “hành tinh chị em” với Trái đất do kích cỡ, gia tốc hấp dẫn, tham số quỹ đạo gần giống với Trái đất. Tuy nhiên, người ta đã chỉ ra rằng nó rất khác Trái đất.
Sao Kim bị bao bọc bởi lớp mây dày có tính phản xạ cao chứa axít sunfuric, và khiến chúng ta không thể quan sát bề mặt của nó dưới bước sóng ánh sáng khả kiến.
Đường kính của sao Kim bằng 12.092km (chỉ nhỏ hơn 650km của Trái đất) và khối lượng bằng 81,5% khối lượng Trái đất. Địa mạo trên bề mặt hành tinh khác xa so với địa hình trên Trái đất, do hành tinh có một bầu khí quyển cacbon điôxít rất dày. Tổng khối lượng của cacbon điôxít chiếm tới 96,5% khối lượng khí quyển, và đa số khối lượng còn lại là 3,5% của nitơ.
Cấu trúc của sao Kim
Sự gần giống về đường kính và khối lượng riêng giữa sao Kim và Trái đất gợi ra khả năng chúng có cấu trúc bên trong cũng tương tự nhau: gồm lõi hành tinh, lớp phủ, và lớp vỏ. Giống như Trái đất, lõi sao Kim ít nhất ở trạng thái lỏng một phần bởi vì hai hành tinh có quá trình lạnh/tiêu tán nhiệt bên trong với cùng một tốc độ.
Đường kính nhỏ hơn của sao Kim cho thấy những phần sâu bên trong hành tinh chịu áp suất nhỏ hơn so với của Trái đất. Sự khác nhau chính yếu giữa hai hành tinh đó là các nhà khoa học chưa có chứng cứ về hoạt động kiến tạo mảng trên sao Kim, có thể bởi vì lớp vỏ quá cứng để có thể xảy ra hút chìm mảng lục địa, mà không có nước lỏng để chúng có thể trượt lên nhau.
Địa chất trên sao Kim
Địa mạo sao Kim hiện lên cho thấy có sự ảnh hưởng của hoạt động núi lửa. Các nhà khoa học tính toán bề mặt Kim Tinh có tuổi 300–600 triệu năm.
Có khoảng 1.000 hố va chạm phân bố khắp bề mặt sao Kim. Trên những thiên thể khác như Trái đất hay Mặt Trăng, các hố va chạm thể hiện quá trình biến mất dần của chúng. Trên sao Kim, khoảng 85% hố va chạm vẫn còn ở trạng thái nguyên thủy.
Khí quyển và khí hậu của sao Kim
Sao Kim có khí quyển rất dày, chứa chủ yếu CO2 và lượng nhỏ N2. Khối lượng khí quyển của hành tinh này lớn gấp 93 lần so với khối lượng khí quyển của Trái đất, trong khi áp suất bề mặt cao gấp 92 so với của Trái đất—áp này tương đương với độ sâu gần bằng 1=km tính từ bề mặt đại dương trên Trái đất.
Bên trên tầng khí quyển CO2 đậm đặc là những lớp mây chứa chủ yếu SO2 và những giọt axít sunfuric. Những cơn gió trong khí quyển sao Kim có tốc độ cao gấp 60 lần tốc độ tự quay của hành tinh này, trong khi đó những cơn gió mạnh nhất trên Trái đất có tốc độ chỉ bằng 10% đến 20% tốc độ tự quay của nó.
Từ trường trên sao Kim
Từ trường sao Kim yếu hơn nhiều so với của Trái đất.
Các nhà khoa học nêu ra có một khả năng sao Kim không có lõi cứng bên trong. hoặc hiện tại lõi của nó không còn quá trình tiêu tán nhiệt, do vậy toàn bộ phần vật chất lỏng quay lõi có nhiệt độ xấp xỉ bằng nhau.
Quỹ đạo của sao Kim
Quỹ đạo sao Kim quanh Mặt Trời có khoảng cách trung bình bằng 0,72 AU (108.000.000 km; 67.000.000 mi), và hoàn thành một chu kỳ quỹ đạo khoảng 224,65 ngày. Mặc dù mọi hành tinh có quỹ đạo hình elip, quỹ đạo sao Kim có dạng gần tròn nhất, với độ lệch tâm quỹ đạo nhỏ hơn 0,01.
Tàu thám hiểm sao Kim
Phi vụ tàu không gian robot đầu tiên gửi đến sao Kim và cũng là hành tinh đầu tiên một tàu của con người đến thăm dò, bắt đầu vào ngày 12 tháng 2 năm 1961, với tàu Venera 1 được phóng lên.
Chương trình thám hiểm sao Kim của Hoa Kỳ cũng khởi đầu bằng thất bại của tàu Mariner một trong lúc phóng. Tàu Mariner 2 thành công hơn khi nó tồn tại được 109 ngày sau khi phóng lên quỹ đạo và ngày 14 tháng 12 năm 1962 nó trở thành phi vụ thám hiểm hành tinh đầu tiên thành công, khi tiếp cận đến sao Kim ở khoảng cách 34.833km.
Đọc thêm: