Suy đoán vô tội là như thế nào? Suy đoán vô tội là mọi nghi can đều vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội. Nguyên tắc này được áp dụng trong các cáo buộc của phiên tòa hình sự.
Lần đầu tiên trong lịch sử lập Hiến của Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 đặt ra quy định tại Chương II – “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (khoản 1, Điều 31 Hiến pháp năm 2013). Đó chính là nội dung đầy đủ của một nguyên tắc pháp lý quan trọng: Nguyến tắc suy đoán vô tội.
Để thi hành Hiến pháp, bảo đảm sự phù hợp của pháp luật tố tụng hình sự với Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự tại Điều 13 đã quy định một nguyên tắc hoàn toàn mới của tố tụng hình sự Việt Nam, đó là “nguyên tắc suy đoán vô tội” với nội dung như sau:
“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Quy định của BLTTHS năm 2015 cho thấy rõ 3 nhóm nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội; những nội dung đó đồng thời cũng chính là những đòi hỏi, những điều kiện cần và đủ mà nếu thiếu chúng thì một người bị buộc tội phải được coi là vô tội.
Nội dung nguyên tắc: “Suy đoán vô tội” rất ngắn gọn (có 90 từ), nhưng hiểu như thế nào là đúng để thực hiện mới là vấn đề mà cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng cần quan tâm. Vì đến nay, chưa có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện nguyên tắc này.