Tại sao bị nấc? Nấc là những đợt co thắt đột ngột và ngắt quãng của cơ hoành lặp đi lặp lại nhiều lần.
Cơ hoành là phần phân chia vùng ngực với vùng bụng, có liên hệ với toàn bộ hệ thống thần kinh. Vì thế, khi chúng ta sặc, nói vội hay nuốt nhanh hoặc bị tác động bởi yếu tố tâm lý…thì sẽ làm cơ hoành co thắt đột ngột và đóng nắp thanh quản lại. Từ đó tạo ra tiếng mà chúng ta hay gọi đó là nấc hay nấc cục.
Nếu hiện tượng nấc cục kéo dài 1 hoặc 2 phút trong vòng 24 tiếng thì đây là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, khi nấc cụt kéo dài đến 48 tiếng thì bạn cần đi khám ngay vì đó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau.
Tại sao bị nấc?
Trong hầu hết các trường hợp, chứng nấc cục được gây ra bởi dạ dày bị phồng lên, thường xảy ra nếu bạn ăn hoặc uống một cái gì đó quá nhanh. Khi dạ dày bị phồng lên, nó có thể đẩy axit dạ dày vào thực quản, làm dịu phần cơ thể đó. Sự kích ứng đó dẫn đến sự co lại của cơ hoành. Bằng cách giảm lượng oxy, hoặc tăng mức độ cácbon điôxít, bạn có thể làm dịu sự kích ứng đó và ngăn không cho nấc xảy ra. Hầu hết các trường hợp nấc cục xảy ra trong thời gian ngắn, hiếm khi nó kéo dài vài phút (trừ những trường hợp liên quan đến bệnh lý).
Tuy nhiên, nấc cũng có thể do những thứ khác, đặc biệt nếu nó diễn ra trong thời gian dài, thậm chí đến vài ngày hoặc vài tuần, bạn hãy nhanh chóng đến gặp bác sỹ. Những cơn giãn nở mở rộng này có thể là do bệnh cơ bản hoặc tình trạng sức khoẻ cần được giải quyết. Việc rối loạn chuyển hóa cũng có thể dẫn đến việc bạn bị nấc cục trong thời gian dài. Những người bị hen suyễn cũng thường kéo theo việc nấc cục trong thời gian dài hơn.
Đối với mọi người, nấc cũng luôn mang đến sự phiền toái (nhưng thậm chí nó cũng có thể gây nghiện). Nếu kéo dài, nó sẽ làm cho bạn rơi vào tình trạng lo âu, trầm cảm và mất ngủ…
Theo PGS. TS Bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM), nguyên nhân gây nấc cụt bệnh lý gồm:
Do rối loạn hệ thần kinh trung ương
Các bệnh lý nhiễm trùng ở vùng vỏ não như khối u trong não, viêm màng não sẽ tạo ra những phản xạ làm kích thích dây thần kinh và gây ra tiếng nấc. Hoặc mắc các bệnh lý có dây thần kinh phế vị đi qua như các bệnh lý tại họng, thanh quản, bệnh về đường hô hấp (u phổi, viêm màng phổi), rối loạn tiêu hóa, viêm ruột, viêm tụy…thì sẽ kích thích cơ hoành tạo tiếng nấc.
Do bệnh lý rối loạn chuyển hóa
Các bệnh lý rối loạn chuyển hóa, nhất là bệnh về gan như xơ gan làm ứ mật. Khi đó nó sẽ không tổng hợp được chất đạm gây ứ đọng u-rê trong máu cao. Từ đó gây ra phản xạ nấc cụt.
Do bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu, rối loạn natri, canxi trong máu
Khi mắc phải những căn bệnh này bạn sẽ dễ gặp tình trạng nấc cụt. Đặc biệt là những bệnh lý tim mạch (suy tim, hở van tim) khi tình trạng giảm cacbonic cũng ảnh hưởng đến tuần hoàn máu gây ra nấc cụt.
Như vậy, nấc cụt có thể là hiện tượng sinh lý bình thường, khi đó bạn có thể chữa bằng các mẹo dân gian đơn giản. Tuy nhiên, nếu do bệnh lý thì bạn cần phải đi khám chuyên khoa để chẩn đoán nguyên nhân và điều trị dựa vào nguyên nhân gây ra.
Mẹo chữa nấc cục
Dưới đây là những mẹo chữa chứng nấc cục đã được bác sĩ Bay chia sẻ:
Nuốt cơm, nuốt nước, nhai và nuốt bánh mì, nín thở trong vài giây
Bác sĩ Bay cho biết, những cách này sẽ giúp đẩy cơ hoành, nén áp lực xuống để tạo nên phản ứng cơ học ở cơ hoành giúp giải quyết tình trạng nấc cụt.
Hít thở trong túi ni lông
Bạn có thể hít thở từ 5 – 10 lần trong túi ni lông để cơ thể đồng thời hít khí cacbonic và thở ra khí cacbonic. Từ đó làm tăng lượng cacbonic trong máu để khắc phục tình trạng nấc cụt.
Làm cho người nấc cục giật mình
Thực hiện bằng cách vỗ lưng người bị nấc một cách đột ngột nhưng không quá mạnh.
Dùng muỗng đè lưỡi
Dùng muỗng đè lưỡi xuống để gây kích thích dây thần kinh phế vị làm giảm nấc cụt.
Nhai mứt gừng hoặc gừng tươi
Nếu không nhai được gừng tươi vì quá cay thì bạn cũng có thể thay thế bằng mứt gừng.
Dùng giấm hoặc chanh
Bạn có thể nhỏ từ 2 – 3 giọt giấm hoặc chanh vào ly nước lạnh để uống.
Lưu ý: Chỉ nên dùng giấm nuôi từ trái chuối, không nên dùng giấm hóa học, đồng thời nếu mắc bệnh bao tử thì không nên áp dụng cách này.
Nấc cục ở trẻ sơ sinh
Theo BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh, Phòng Tổ chức cán bộ – Bệnh viện Từ Dũ, nấc cục là phản xạ của bé dưới 4 tháng tuổi khi dạ dày bị căng. Nếu làm cho bé hít vô lâu hơn hoặc giữ hơi thở lại sẽ giúp bé hết nấc cục (như cho uống nước, bú, chọc cho bé cười). Phản xạ này sẽ hết khi bé lớn hơn.
Nguyên nhân nấc cục ở trẻ sơ sinh
Có những trường hợp bé nấc cục từ khi còn ở trong bụng mẹ và là hiện tượng thường thấy ở trẻ sơ sinh. Có 7 nguyên nhân cụ thể như sau:
– Trào ngược dạ dày thực quản: Tình trạng này xảy ra khi bé có cơ vòng thực quản dưới phát triển chưa hoàn thiện. Cơ vòng thực quản là bộ phận nằm giữa thực quản và dạ dày, có tác dụng ngăn thức ăn từ dạ dày di chuyển ngược lên thực quản. Các tế bào thần kinh bị tác động bởi sự trào ngược thức ăn và axit trong dạ dày dẫn đến làm rung cơ hoành và nấc cụt.
– Trẻ bú quá no: Khi mẹ cho bé bú quá no, dạ dày của trẻ có khả năng sẽ to và dãn ra. Khoang bụng bị giãn nở đột ngột khiến cơ hoành bị co thắt, trẻ sẽ dễ bị nấc cụt.
– Nuốt nhiều khí vào bụng: Thông thường, khi bú bình, trẻ sẽ dễ bị nuốt nhiều không khi hơn so với bú mẹ vì sữa trong bình chảy ra nhanh hơn. Điều này cũng làm cho dạ dày của trẻ to, giãn ra và có thể trẻ sẽ bị nấc.
– Dị ứng: rất có thể trẻ bị dị ứng với protein trong sữa công thức, sữa mẹ hoặc những thực phẩm do mẹ ăn dẫn đến viêm thực quản rồi bị nấc cục.
– Hen suyễn: trong trường hợp bé bị hen, các ống phế quản phổi sẽ bị viêm dẫn đến việc hạn chế luồng không khí vào phổi. Bé sẽ thở khò khè làm cho cơ hoành bị co thắt – nguyên nhân làm cho nấc cục.
– Hít phải khí ô nhiễm: Vì hệ hô hấp của trẻ sơ sinh còn chưa được phát triển hoàn chỉnh, nên khi hít phải khói, không khí ô nhiễm, bé sẽ rất dễ bị ho. Ho quá nhiều sẽ khiến cơ hoành tổn thương.
– Nhiệt độ cơ thể giảm: Khi trẻ bị giảm nhiệt độ cơ thể, các cơ sẽ co lại, trong đó có cơ hoành, sẽ làm cho bé nấc cụt. Không cần quá lo lắng khi trẻ xuất hiện tình trạng này.
Cách chữa nấc cho trẻ sơ sinh
Để chữa nấc cho trẻ sơ sinh, phụ huynh có thể áp dụng những cách sau đây:
– Cho trẻ ăn một ít đường:
+ Đối với trẻ trong giai đoạn ăn dặm: cho ít đường vào dưới lưỡi của bé.
+ Đối với trẻ còn quá nhỏ: cho ít siro lên núm vú giả hoặc ngón tay rồi cho bé ngậm. Lưu ý là ngón tay và núm vú giả phải đảm bảo sạch sẽ.
– Massage lưng cho trẻ:
Đây là cách có thể giải quyết trực tiếp những cơn nấc cục ở trẻ sơ sinh. Đặt bé ngồi thẳng hoặc nằm trên bụng rồi nhẹ nhàng xoa lưng theo hình vòng tròn. Nên massage nhẹ nhàng để giúp bé cảm thấy thoải mái.
– Để bé ngồi thẳng sau khi bú:
Vì có trường hợp là trẻ sơ sinh bị nấc cụt sau khi bú nên người mẹ cần giữ người bé ngồi thẳng khoảng 15 phút sau khi cho bú xong. Việc này giúp cơ hoành của trẻ được thư giãn, giảm khả năng bị nấc.
– Dùng tay bịt lỗ tai trẻ: Dùng 2 ngón tay để bịt vào 2 bên lỗ tai của bé trong nửa phút rồi bỏ ra ngay.
– Một vài cách đơn giản khác:
+ Dùng tay gãi nhẹ môi/mang tai trẻ khoảng 60 cái.
+ Thay đổi tư thế cho bé bú bình, kiểm tra núm vú bình sữa có bị thủng hoặc rách không để giảm bớt lượng không khí trẻ hít vào.
+ Cho trẻ ngậm kẹo gừng (nếu có thể), hoặc bôi chút dầu gió Phật Linh vào cổ tay, gáy, 2 dái tai của bé.
+ Có thể làm trẻ phân tâm bằng các trò chơi vận động hoặc lắc đồ chơi trước mặt bé.
Mẹo dân gian chữa nấc cụt cho trẻ sơ sinh
– Dùng khăn quấn vào ngón tay trỏ, chấm chút mật ong rồi rơ lưỡi cho trẻ.
– Lấy cuốn chiếu, đuôi lá trầu không hoặc một mẩu giấy dán vào trán, vùng giữa đầu trong lông mày của bé.
– Dán bã lá trầu không lên trán trẻ.
Những điều tránh làm với trẻ sơ sinh bị nấc
Không nên áp dụng một vài biện pháp khắc phục nấc cục cho người lớn vào trẻ em vì có thể gây những ảnh hưởng không tốt đến bé như:
– Làm trẻ giật mình hoặc dọa trẻ: hành động này sẽ có thể làm cho màng nhĩ của trẻ bị ảnh hưởng, thậm chí còn làm tổn thương đến cột sống.
– Cho trẻ ăn bánh kẹo chua: Vì hầu hết các loại kẹo chua đều có chứa axit nên không tốt cho sức khỏe của bé. Kể cả khi trẻ đã hơn 12 tháng tuổi thì cũng không nên cho bé ăn bánh kẹo chua hoặc các loại thực phẩm chua để giảm cơn nấc.
– Vỗ vào lưng trẻ: Tránh vỗ vào lưng bé để làm giảm nấc vì các dây chằng trong khung xương của bé vẫn còn mềm.
– Ấn vào nhãn cầu mắt: Dù chỉ là ấn nhẹ thì cũng không nên ấn vào nhãn cầu của trẻ vì các cơ giúp mắt chuyển động của bé vẫn trong giai đoạn phát triển, bé vẫn chưa thể tự điều khiển mắt của mình.
– Kéo lưỡi hoặc xương của bé: không nên làm những hành động này vì cơ thể trẻ sơ sinh còn rất yếu.
Khi nào thì cần đưa trẻ đi khám?
Thường thì tình trạng nấc cục ở trẻ sơ sinh không đáng lo ngại. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám cụ thể.
– Khi trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản: nếu trẻ có những triệu chứng của trào ngược dạ dày như nấc kinh niên, thường xuyên ợ hơi ra chất lỏng kèm theo cáu kỉnh, cong lưng, khóc vài phút sau khi ăn… thì cần phải đưa đến bác sĩ khám ngay.
– Trẻ bị nấc cụt trong khi ngủ hoặc bú: trong trường hợp này thì tốt nhất trẻ nên được thăm khám vì sẽ gây ra khó chịu cho bé và cản trở hoạt động thường ngày.
– Khi cơn nấc cục kéo dài nhiều ngày, nhiều giờ: Cha mẹ cần quan sát theo dõi tình trạng nấc cục ở trẻ xem bé có bị thở khò khè không. Nếu có thì nên đưa bé đi khám ngay để có cách điều trị sao cho phù hợp. Để trẻ sơ sinh bị nấc nhiều sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
Ngăn ngừa nấc cụt ở trẻ sơ sinh
Ngoài việc nắm được cách làm gì khi trẻ sơ sinh bị nấc thì cha mẹ cũng nên biết một số cách để ngăn ngừa hiện tượng này cho bé. Có thể thử áp dụng một số phương pháp sau:
– Nên cho trẻ ăn khi bé ở trạng thái bình tĩnh. Không để đến khi trẻ đói, quấy khóc mới bắt đầu cho ăn. Lúc ấy, trẻ sẽ khóc nhiều, nuốt nhiều hơi gây nấc. – Cho bé bú số lượng ít hơn nhưng bú thành nhiều bữa.
– Nếu trẻ bú bình, cần dùng bình sữa có van chống sặc và chống đầy hơi và để bé ợ hơi sau mỗi hai hoặc ba phút trong khi bú. Nếu trẻ bú mẹ, sau mỗi lần chuyển bên vú thì cho bé ợ hơi và ngậm quầng vú chứ không ngậm đầu ti. Sau khi bú xong, giữ cho trẻ ở tư thế thẳng đứng trong 20-30 phút.
– Khi trẻ đã bú xong thì tránh các hoạt động nặng với bé hoặc các trò chơi đòi hỏi vận động nhiều.