Hẳn bộ não Anhxtanh có gì khác thường có thể sở hữu trí tuệ siêu phàm như vậy.
Anhxtanh mất ngày 18/4/1955 ở tuổi 76 do chứng phình mạch dẫn tới vỡ động mạch chủ. Ông được hỏa táng theo di nguyện và tro đươc rải xuống một địa điểm bí mật và mãi mãi không được tiết lộ.
Ngoại trừ bộ não của ông.
Trong quá trình khám nghiệm tử thi được thực hiện tại bệnh viện Princeton, nhà bệnh lý học Thomas Harvey đã tách và giữ lại bộ não thiên tài của Anhxtanh cho riêng mình. Hành động này gặp phải chỉ trích vì vi phạm thân thể người đã chết, nhất là một người tôn kính như Anhxtanh.

Sau khi xoa dịu được dư luận và dưới sự cho phép của con trai Einstein, bác sĩ Harvey bắt đầu tiến hành các nghiên cứu về bộ não của Anhxtanh với điều kiện kết quả nghiên cứu phải được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín.
Ban đầu, Harvey nghĩ rằng sẽ không mất nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ về bộ não và điểm khác biệt của nó so với các bộ não thông thường khác. Harvey tin tưởng một bộ não thiên tài sẽ khác rất xa so với bộ não của người bình thường.
Tuy nhiên, kích thước bộ não Anhxtanh không hề lớn hơn so với bất kỳ người nào khác cùng độ tuổi. Trong quá trình khám nghiệm tử thi, bác sĩ Harvey đã xác định não của Einstein có trọng lượng 1,22 kilograms. Ông đã chụp lại những hình ảnh về bộ não, sau đó cắt nó ra thành 240 mảnh nhỏ và bảo quản trong Celloidin, một loại hóa chất phổ biến trong kỹ thuật bảo quản và nghiên cứu não bộ.
Harvey muốn gửi những mẫu nhỏ của bộ não cho các nhà khoa học khác từ khắp nơi trên thế giới để cùng thực hiện nghiên cứu với ông. Các chuyên gia tham gia sẽ gửi kết quả nghiên cứu lại cho Harvey và sẽ được công bố rộng rãi để thế giới có thể biết được những bí ẩn bên trong một bộ não thiên tài.

Sau đó là một khoảng thời gian chờ đợi lâu dài của chính Harvey và cả thế giới. Bộ não của Einstein có kích thước bình thường và số lượng tế bào não có kích thước trung bình giống như nhiều người khác.
Tuy nhiên, sau quá trình nghiên cứu 4 năm từ khi Anhxtanh mất, Harvey không hề có một thành quả nghiên cứu nào. Và ông đã biến mất cùng với bộ não.
Một số ý kiến cho rằng Harvey không đủ khả năng nghiên cứu do ông chỉ là một nhà bệnh lý học chứ không phải là nhà thần kinh học.
Đến năm 2012, nghiên cứu mới do nhà nhân chủng học Dean Falk thuộc đại học Florida (Mỹ) chủ trì cho rằng, “một phần bộ não của Anhxtanh được phát hiện là không giống não của hầu hết mọi người và nó có thể liên quan đến khả năng nhận thức phi thường của ông”.
Theo nghiên cứu này, kích cỡ bộ não là bình thường. Tổng thể hình dạng không đối xứng và đó là điều bình thường. Điều kỳ lạ là sự phức tạp và sự cuộn lại trong nhiều phần khác nhau của não bộ.
Trước đó, năm 1999, các nhà khoa học ở đại học McMaster ở bang Ontario (Canada) đã có thể so sánh hình dạng và kích thước của não bộ Anhxtanh với não bộ của khoảng 90 người có mức độ thông minh trung bình. Các nhà khoa học này, đã sử dụng một số bức ảnh khác của bác sĩ Harvey, khi đó phát hiện “một vùng não của Anhxtanh khác đáng kể so với hầu hết mọi người”.
Năm 1996, một nhà nghiên cứu tại đại học Alabama, Britt Anderson đã công bố một công trình nghiên cứu khác về bộ não của Anhxtanh với quá trình thực hiện kỹ càng hơn. Anderson đã khám phá ra rằng vỏ não trước của Anhxtanh mỏng hơn so với người bình thường nhưng lại có các nơ ron thần kinh dày đặc hơn.
Tuy nhiên, nghiên cứu của tiến sĩ Sandra Witelson được cho là đầy đủ hơn cả khi bà được bác sĩ Harvey cho phép sử dụng đến 1/5 bộ não Anhxtanh để nghiên cứu, nhiều hơn bất kỳ nhà khoa học nào.
Bà đã chọn vùng não thuộc thùy thái dương và thùy đỉnh đồng thời sử dụng các bức ảnh do bác sĩ Havey chụp lúc Anhxtanh vừa mất để nghiên cứu. Witelson nhận thấy rằng rãnh Sylvian trên não của Anhxtanh hầu như không tồn tại. Rãnh Sylvian chia tách thùy đỉnh của não thành hai ngăn riêng biệt và việc không có đường phân chia này làm cho thùy đỉnh của não Anhxtanh rộng hơn người bình thường 15%.
Thùy đỉnh chịu trách nhiệm xử lý các kỹ năng toán học, lý luận không gian và các hình thể ba chiều.
Điều này dường như hoàn toàn phù hợp với những lĩnh vực và thành công trong nghiên cứu của thiên tài Anhxtanh. Điều này cũng lý giải cho những suy nghĩ và tưởng tượng độc đáo của Anhxtanh mà sau này đã trở thành những khám phá của ông.
Trong quá trình phát hiện ra thuyết tương đối rộng, Anhxtanhđã tưởng tượng rằng mình đang đi xe chạy trên 1 chùm ánh sáng xuyên qua vũ trụ. Từ những hình ảnh tưởng tượng đó, ông đã tìm các từ ngữ để diễn tả cho suy nghĩ của mình và thuyết tương đối đã ra đời.
Tiến sĩ Witelson giả thuyết rằng chính việc thiếu đi rãnh Sylvian đã cho phép các tế bào não phát triển gần nhau hơn, từ đó cho phép chúng giao tiếp với nhau nhanh hơn bình thường. Chính cấu trúc não này cũng đã lý giải nguyên nhân mắc chứng nói lắp của Einstein cũng như của những người khác.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa kiểm chứng được giả thuyết trên một cách tuyệt đối do vẫn chưa tìm được một bộ não tương tự Anhxtanh: não của người có cùng chỉ số IQ với ông. Mọi nghiên cứu và giả thuyết chỉ dựa trên các bộ não trung bình.
Do đó, bộ não của Anhxtanh có gì khác thường để có thể tạo ra một thiên tài như Anhxtanh cho đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn.
Còn bác sĩ Harvey cho đến tận cuối đời vẫn chưa có cơ hội chứng kiến những bí mật đằng sau bộ não của Einstein được giải mã. Ông mất hồi năm 2007, hưởng thọ 94 tuổi./.