Giang Thanh (1914-1991) là vợ ba của Mao Trạch Đông, Chủ tịch Trung Quốc. Bà ta dựa vào vị thế là vợ của Chủ tịch nước tôn kính, đã khơi mào cho Cuộc cách mạng văn hóa gây nên bao đau thương tang tóc cho đất nước Trung Quốc, hàng loạt người có công với cách mạng bị vu oan, giam cầm và sát hại.
Ngay sau khi Mao Trạch Đông qua đời tháng 9/1976, Giang Thanh và bè ũ bốn tên bị bắt, sau đó bị kết án tử hình, rồi giảm án xuống còn chung thân. Năm 1991, bà ta đã tự sát trong thời gian được ra ngoài chữa bệnh. Dưới đây là Giang Thanh toàn truyện, từ sinh thời, đến tham vọng quyền lực và bị xét xử, kết án…
1. Giang Thanh sinh ra ở một ngôi làng heo hút ở tỉnh Sơn Đông vào năm 1914. Người cha lúc ấy đã 60 tuổi và rất ngao ngán khi mong mỏi con trai thì lại một đưa con gái ra đời. Người mẹ nuôi nấng Giang Thanh trong sự thiếu quan tâm của gia đình chồng. Bà đặt tên con là Thục Mông. Theo tập tục, người mẹ đã tiến hành thủ thuật bó chân cho Thục Mông để mong sau này con gái trở thành người hiền thục đoan chính, nhưng với tính cách mạnh mẽ và ngang bướng từ trong máu cô bé Thục Mông đã lột bỏ băng vải bó chân trước mắt các bạn học. Không những thế cố bé này còn là một học trò hiếu chiến. Thục Mông luôn gây ra các trận đánh nhau trong lớp học. Tất cả những biểu hiện từ tuổi ấu thơ đã biểu hiện tham vọng và bản chất của người đàn bà mà sau này làm khuynh đảo đất nước Trung Hoa và được cả thế giới biết đến.
Khi Thục Mông gần 10 tuổi thì người cha họ Lý mất. Hai mẹ con cô càng khó sống ở quê chồng. Người mẹ liền đưa con gái về quê ngoại ở Tế Nam và ở đấy ông ngoại Thục Mông đã đổi tên cháu thành Vân Hạc với mong muốn cháu gái sau này có cuộc sống sung sướng và nhàn hạ. Tuy nhiên đúng như câu cửa miệng của người đời “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”, Vân Hạc đi học mà như ngồi trên lửa nóng không yên. Năm 14 tuổi cô ta bỏ học đi học kịch hát. Năm 1929, Vân Hạc vào trường nghệ thuật thực nghiệm tỉnh Sơn Đông và bắt đầu sắm các vai kịch hát và bắt đầu gắn bó đời mình với nghệ thật sân khấu. Ở lĩnh vực này Vân Hạc thể hiện là người có năng khiếu, tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn, các gánh hát mà cô ta phục vụ giải thể.
Mang ba cái tên, ba lần lấy chồng
Không biết bấu víu vào đâu, Vân Hạc lại trở về quê ngoại và ở đây trong hoàn cảnh thúc ép, Vân Hạc kết hôn với một người con trai họ Phí lúc mới 16 tuổi. Cuộc sống gia đình cùng với những tập tục nghiêm ngặt trói buộc người phụ nữ có chồng vẫn rất nặng nề. Vân Hạc với bản tính của một con ngựa chứng không chịu nổi sự gò bó đó đã lại một lần nữa phá tung “xiềng xích” gia đình. Cuộc hôn nhân nhanh chóng tan vỡ.
Trong lúc chưa biết làm gì, Vân Hạc lại gặp may khi nghe được tin Triệu Thái Mậu ông chủ cũ của trường thực nghiệm Sơn Đông, người rất thích giọng hát và phong cách biểu diễn của cô, hiện làm cán bộ quản lý trường đại học Thanh Đảo. Vân Hạc lần tới đó tìm và được gia đình ông Triệu Thái Mậu. Họ đã hết sức giúp đỡ Vân Hạc. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng của người đàn bà làm tan nát đất nước Trung Quốc sau này. Tại Thanh Đảo, Vân Hạc làm nhân viên quản lý thư viện, tuy không phải là sinh viên nhưng cô được dự nhiều khóa học về sáng tác văn học, nghệ thuật. Điều quan trong hơn là Vân Hạc có dịp gặp gỡ, làm quen với nhiều sinh viên.
Những năm 30 của thế kỷ XX, phong trào cộng sản phát triển mạnh ở Trung Quốc. Nhiều sinh viên trường Thanh Đảo là thành viên “Mặt trận văn hóa cộng sản”. Vân Hạc đã gặp và đem lòng yêu một sinh viên của thành viên mặt trận đó là Du Khởi Uy. Từ mối quan hệ này Vân Hạc được Du Khởi Uy giới thiệu tham gia các tổ chức thân cộng sản trong đó có “ Ban kịch Hải Tân”.
Hoạt động tích cực trong ban kịch và với những vai diễn chống Nhật Bản xâm lược, Vân Hạc được nhiều người biết tới. Năm 1932, Du Khởi Uy giới thiệu Vân Hạc vào đảng cộng sản Trung Quốc. Vân Hạc và Du Khởi Uy lấy nhau. Cuộc sống gia đình không hôn thú ấy kéo dài khoảng hai năm thì Du Khởi Uy bị Quốc Dân đảng bắt.
Đây là cú sốc lớn trong cuộc đời Vân Hạc. Cô liền bỏ tổ chức đảng, bỏ cả Du Khởi Uy để về Thượng Hải tìm cơ hội mới. Tại đây, Vân Hạc theo nhóm thanh niên cộng sản rải truyền đơn, diễn kịch chống Quốc Dân đảng. Năm 1934, lúc ấy tròn 20 tuổi, Vân Hạc bị mật vụ Quốc Dân đảng bắt vào tù. Vân Hạc đã tự thú và chỉ bị giam vài tháng rồi được tha.
Sau vụ việc này Vân Hạc không còn mặn mà với các lý tưởng cộng sản nữa, cô ta một lần nữa đổi tên thành Lam Bình và thử sức trong một số vai diễn ở một gánh hát. Đặc biệt một vai diễn mang tên Nala khiến Lam Bình rất nổi danh. Cái tên Lam Bình và nghiệp diễn đã giúp Lam Bình có vị trí trong giới sân khấu Thượng Hải. Thậm chí năm 1935, được giới yêu nghệ thuật Thượng Hải gọi là năm Nala. 21 tuổi Lam Bình lấy chồng lần thứ ba. Chông cô ta là Đường Nạp, làm ở tạp chí Đại công báo. Cuộc sống và những thành công trên sàn diễn ở Thượng Hải tưởng đã là bến đậu của Lam Bình, nhưng rồi sóng gió lại xảy ra. Cô diễn viên xinh đẹp và tinh nghịch trên sân khấu khác hẳn với người vợ vốn rất ngang ngược và hiếu thắng trong cuộc sống gia đình khiến cuộc hôn nhân của Đường Nạp hết sức nặng nề. Chưa đầy hai năm Đường Nạp và Lam Bình lại ai đi đường nấy.

2. Từ bỏ ba người chồng một cách nhẹ nhàng, từ Thục Mông, Vận Hạc tới Lam Bình, người con gái tài sắc nhưng ngang ngược ấy quyết làm một chuyến phiêu lưu lên vùng rừng núi heo hút Diên An, lúc ấy đang là Thủ đô của lực lượng công sản Trung Quốc. Được một số người hoạt động cộng sản ở Thượng Hải giới thiệu, Lam Bình gặp Ngụy Củng Chi, là vợ Nguyên soái Diệp Kiếm Anh sau này, giới thiệu tiếp và lọt vào Diên An. Tại đây Lam Bình xin được khôi phục đảng tịch, thật may là người chồng thứ hai Du Khởi Uy, người đã giới thiệu Lam Bình vào đảng đang có mặt tại Diên An. Anh ta đã xác nhận việc Lam Bình là đảng viên cộng sản ở Thanh Đảo và sau đó giới thiệu Lam Bình vào học lớp 12 trường đảng trung ương. Cuộc đời Lam Bình từ đây lại bước sang một trang mới.
Trong chương trình của khóa học có vài buổi được đích thân Mao Trạch Đông tới giảng. Với một người đã lão luyện tình trường và nghề diễn, Lam Bình nhân ngay ra cơ hội nghìn vàng để tìm cách gây ảnh hưởng và tiếp cận người đứng đầu đảng cộng sản Trung Quốc. Trước buổi học chiều do Mao Trạch Đông giảng, Lam Bình đã chuẩn bị cho mình một dung nhan thật cuốn hút, từ trang phục đến động thái được tính toán rất chu đáo để ngay từ đầu gây được sự chú ý của Mao Trạch Đông. Lam Bình đến lớp học sớm, chiếm chỗ ngồi tốt nhất theo kinh nghiệm của một diễn viên, trong đầu tính toán từ động tác đứng lên, vỗ tay nhiệt tình hơn người khác, chăm chú nghe giảng, ghi chép, đăm chiêu suy nghĩ, đặc biệt là tạo ra nét mặt đặc biệt sùng bái diễn giả…Từ trong sâu thẳm Lam Bình đã tính toán mọi phương án để theo đuổi cuộc “đi câu” đến cùng.
Đêm đầu sau khi nghe Mao Trạch Đông giảng bài, Lam Bình trằn trọc không ngủ được. những câu hỏi cứ quay đảo trong đầu cô ta: Vợ anh ta là người thế nào? Tình cảm của họ ra sao? Mao Trạch Đông quan tâm đến nghệ thuật như thế nào?…
Không chịu được sự tò mò ấy, Lam Bình đã bật dậy viết thư cho Mao Trạch Đông. Trong thư cô ta thể hiện mình là người đặc biệt yêu mến và sùng bái Mao Chủ tịch. Lam Bình cũng khôn khéo giới thiệu về cuộc đời gian truân của mình, lý tưởng cách mạng, tham gia đảng cộng sản và khả năng diễn xuất kịch nói cách mạng… Cô ta xin được gặp Mao Trạch Đông vào ngày chủ nhật ngay sau đó.
Quyết liệt đến mức không biết MaoTrạch Đông có nhận được và đọc thư của mình không, nhưng chiều chủ nhật ấy Lam Bình đến thẳng nơi Mao Trạch Đông đang ở. May mắn cô gặp ông ở của, trước các chiến sĩ cảnh vệ cô hồ hởi vồn vã chào hỏi Mao Chủ tịch như người quen cũ và được ông tiếp. Tuy nhiên hành động quá đường đột và mạnh dạn của cô ta, khiến Mao Trạch Đông tỏ ra khá lạnh nhạt và xem thường.
Nhưng với nhan sắc vượt trội, Lam Bình quyết tâm và tin tưởng mình sẽ thành công trong việc theo đuổi Mao Trạch Đông. Lần gặp mặt đầu tiên tuy không được Mao Trạch Đông chú ý, nhưng mấy tháng sau Lam Bình lại tìm được cơ hội. Cô ta gặp lại Khang Sinh, một người đồng hương Sơn Đông với mình. Khang Sinh khi ấy đang là trưởng ban Tổ chức trung ương Trung Quốc. Nhờ mối quan hệ này, Lam Bình có cơ hội nhiều lần được gần gũi Mao Trạch Đông. Được Khang Sinh gợi ý, Lam Bình đứng ra cổ vũ và tập hợp các học viên và cán bộ Diên An tham gia các chương trình nghệ thuật tự biên tự diễn làm cho đời sống văn hóa tinh thần ở khu Diên An gian khổ tươi mới lên trông thấy. Khả năng diễn xuất của Lam Bình có đất để thể hiện và nó cũng là cái kênh gần nhất để cô gây cảm tình và sự chú ý của Mao Trạch Đông cùng các lãnh đạo khu căn cứ cách mạng.
Cơ hội trời cho tiếp theo là mối quan hệ giữa vợ chồng Mao Trạch Đông hình như trục trặc. Hạ Tử Trân người vợ thứ ba của Mao Trạch Đông đi Liên xô chữa bệnh và an dưỡng dài ngày. Được tin đó, Lam Bình như mở cờ trong bụng. Vừa tìm mọi cách tiếp cận Mao Trạch Đông trong lúc ông cô đơn, vừa qua sự giúp đỡ của Khang Sinh để gây ảnh hưởng tới người lãnh đạo cao nhất của đảng.
Lam Bình đã thành công. Mao Trạch Đông và Lam Bình nhiều lần gặp nhau và cuối năm 1938, lúc ấy Lam Bình 24 tuổi. Ban tổ chức trung ương đã điều Lam Bình về văn phòng Mao Trạch Đông làm thư ký giúp việc. Trước sự tấn công không ngừng nghỉ của Lam Bình và sự cô đơn cùng với công việc ngập đầu, Mao Trạch Đông cũng có nhu cầu được quan tâm chăm sóc. Ông đã xuôi lòng và cảm mến Lam Bình.
Để đi tới quyết định kết hôn với Lam Bình, Mao Trạch Đông đã ra lệnh cơ quan tình báo tiến hành điều tra về tiểu sử của Lam Bình. Ngoài những người làm chứng về việc gia nhập đảng cộng sản, Lam Bình cũng còn nhiều góc tối thời kỳ ở Thượng Hải. Chuyện cô ta bị bắt và đầu thú chưa được làm rõ thì Khang Sinh với tư cách trưởng ban Tổ chức trung ương đã đứng ra bảo lãnh, vậy là Lam Bình có một lý lịch rõ ràng.
Mao Trạch Đông đã báo cáo xin ý kiến Ban Bí thư về việc kết hôn với Lam Bình và được Ban Bí thư đồng ý nhưng kèm theo ba điều ràng buộc, gọi là Tam cương ước pháp. Đó là: Lam Bình không được sống như vợ chồng với Mao Trạch Đông khi ông chưa giải quyết xong việc ly hôn với Hạ Tử Trân. Lam Bình có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe và đời sống cho Mao Trạch Đông và từ nay trung ương sẽ không chấp nhận các trường hợp tương tự. Điều cuối cùng là Lam Bình chỉ quản lý những công việc có tính chất riêng tư trong đời sống vợ chồng với Mao Trạch Đông, trong vòng 20 năm cấm giữ bất cứ một chức vụ nào trong đảng và không được tác động đến bất cứ một công việc gì của đảng.
Vậy là mục đích mà Lam Bình đặt ra đã thành công. Cuối tháng 11/1938, Mao Trạch Đông lấy Lam Bình. Sau khi về ở với nhau, Lam Bình đề nghị Mao Trạch Đông đổi cho mình một cái tên mới để đánh dấu chặng đường đời trở thành đệ nhất phu nhân Trung Quốc. Mao Trạch Đông đã lấy chữ đầu và chữ cuối trong câu thơ cuối của bài thơ “Tương linh cổ sức” mà ông thường ngâm là: “Giang biên sổ phòng thanh” đặt cho vợ mới. Đó là Giang Thanh.
Việc Ban Bí thư trung ương ràng buộc Giang Thanh ba điều khi sống với Mao Trạch Đông, khiến Giang Thanh khó chịu nhất là điều thứ ba. Bản chất là người hám quyền lực, háo danh và chứa chất âm mưu, Giang Thanh tự biết mình còn phải tiếp tục một cuộc chiến đấu nữa để xuất hiện trên chính trường.
Tuy nhiên việc đạt được mục tiêu trở thành vợ người đứng đầu Đảng cộng sản Trung Quốc không mấy khó khăn đã khiến Giang Thanh tạm toại nguyện. Giang Thanh cũng biết việc kết hôn của mình với Mao Trạch Đông gây ra nhiều dị nghị không mấy thiện cảm trong giới lãnh đạo cách mạng. Vì thế Giang Thanh quyết dằn lòng lui về làm một người vợ hiền thục để tạo dựng tiếng tốt và chờ cơ hội. Năm 1940, Giang Thanh sinh con gái đầu lòng với người chồng thứ tư Mao Trạch Đông. Về phía Mao Trạch Đông đây là đứa con thứ mười và Giang Thanh cũng là người vợ thứ tư của ông. Mao đặt tên con gái là Lý Nạp, lấy chữ Lý trong họ của mẹ. Có con, vai trò của Giang Thanh khác hẳn trong mối quan hệ vợ chồng với Mao Trạch Đông.
3. Thời gian làm vợ Mao Trạch Đông, chưa bao giờ Giang Thanh chính thức bước ra vũ đài chính trị cùng với chồng. Tuy nhiên khi Lý Nạp càng lớn thì vị trí của Giang Thanh cũng dần lớn theo. Bản Tam cương ước pháp càng ngày càng không có tác dụng với Giang Thanh nữa. Giang Thanh thoát ra khỏi đám mây mù và bắt đầu bước lên vũ đài chính trị.
Mao Trạch Đông phu nhân chỉ là một loại danh phận, không phải là một loại chức vụ. Cuối cùng tổ chức xem đi xét lại nhiều lần rồi sắp xếp cho Giang một chức vụ không to không nhỏ nhưng thích hợp với sở thích của Giang Thanh: Phó Cục trưởng Cục Văn nghệ Ban Tuyên truyền Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ đây, Giang Thanh bắt đầu mưu tính lấn vào chính trị.
Sự kiện thể hiện sự kiêu hùng đầu tiên của Giang Thanh là việc phê phán phim “Truyện Vũ Huấn” (Triệu Đan thủ vai chính), bộ phim được khắp nơi khen ngợi. Giang Thanh đã thôi thúc Mao Trạch Đông đi xem cho bằng được. Mao Trạch Đông sau khi xem phim xong cho rằng: đây là phim tuyên truyền chủ nghĩa cải lương của giai cấp tư sản. Giang Thanh nghe thế vô cùng vui sướng và bắt đầu tiến hành chiến dịch phê phán “Truyện Vũ Huấn”.
Với sự chấp bút của một số cộng sự, Giang Thanh viết ra văn kiện “Ghi chép điều tra lý lịch của Vũ Huấn” phủ định phim “Truyện Vũ Huấn” về căn bản. Có thể nói, loại phê phán này là sự xuất đầu lộ diện của trào lưu tư tưởng “tả”, sau này ngày càng phát triển bành trướng thành bản tính độc ác của “Cách mạng văn hóa”. Sau đó, Giang Thanh tiếp tục ra mặt trong việc phê phán công trình nghiên cứu “Hồng lâu mộng” của Du Bình Bá.
Đến năm 1956, Giang Thanh được bổ nhiệm làm Bí thư phụ trách đời sống của Mao Trạch Đông và chức vụ đó tương đương với cấp thứ trưởng. Vị trí của Giang Thanh ngày càng quan trọng hơn và Giang cũng đòi Mao Trạch Đông phải công bằng với mình trong nhiều việc.
Giang Thanh cũng đã “đọ tài cao thấp” với Vương Quang Mỹ, lúc đó là vợ của Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ. Trong một lần Giang Thanh thấy những bức hình của Vương Quang Mỹ cùng chồng đón Tổng thống Indonesia đăng trang trọng trên “Nhân Dân nhật báo (tháng 9/1952) bèn nổi lửa giận. Nghĩ rằng mình là “đệ nhất phu nhân” mà từ trước tới nay chưa bao giờ lộ mặt trên báo này. Ngay sau đó, được sự cho phép của Mao Trạch Đông, Giang Thanh đã cùng ông đón tiếp Tổng thống Indonesia và ngay hôm sau hình ảnh của Giang Thanh cũng được xuất hiện một cách trang trọng trên Nhân Dân nhật báo. Bức ảnh đó là tín hiệu quan trọng, Giang Thanh từ sau rèm bước ra sân khấu phía trước. Sự trói buộc của “Tam cương ước pháp” đối với Giang Thanh đã sắp hết hiệu lực.
Giang Thanh lúc này một tay nắm phê phán, một tay nắm sáng tác, dùng lời của Giang Thanh là “đại phá, đại xây”. Sau những sự kiện phê phán gây chấn động báo giới, Giang Thanh trở lại xây những tác phẩm nghệ thuật để thể hiện dấu ấn của mình. Từ vở kịch “Cây đền đỏ” đến “Lửa đầm dậy sóng” (hay “Cái đầm nhà họ Sa”), Giang Thanh đều chỉ đạo tất cả mọi công việc, từ điều chỉnh kịch bản đến lựa chọn diễn viên.
Giang Thanh cũng một tay “đạo diễn” luôn Đại hội Kinh kịch diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 5 đến 31/7/1964 để tổng kết “Đại sáng tác mười ba năm” ở Trung Quốc. Tại buổi tổng kết đại hội, Giang Thanh đã công khai lộ mặt. Bà ta với dáng vẻ đứng trên cao hạ cố xuống dưới, lên giọng người “cầm cờ” đọc một bài có nhan đề “Đàm luận về cách mạng Kinh kịch”. Lần nói chuyện này của Giang Thanh đứng về mặt ý nghĩa, so với bức ảnh chụp chung với Mao Trạch Đông đăng tải trên Nhân Dân nhật báo trong lần tiếp vợ chồng Tổng thống Indonesia quan trọng hơn nhiều. Giang Thanh một mặt khen những vở kịch do chính mình dàn dựng tại Thượng Hải, một mặt kịch liệt phê bình các sáng tác khác.
Một sự kiện khác, được xem là mở màn cho Đại cách mạng văn hóa sau này, chính là việc phê phán “Hải Thụy bãi quan” do Ngô Hàm viết (kể về nhân vật Hải Thụy đã trực diện phê bình hoàng đế). Nếu như Mao Trạch Đông từng khen Hải Thụy, mong muốn mọi người học tập tinh thần phê bình của Hải Thụy thì Giang Thanh sau khi xem xong lại nói bừa lên rằng hoàng đế trong kịch là chiếu vào Mao Trạch Đông và Hải Thụy chính là Bành Đức Hoài (người đã bị Mao Trạch Đông cách chức). Với kiểu “tìm ẩn ý” như thế, Giang Thanh cố tình quy tội cho “Hải Thụy bãi quan” là có “sai lầm chính trị quan trọng”, là “cỏ độc rất lớn”.
Đến đêm giao thừa của “Cách mạng văn hóa”, khi sợi dây đàn “đấu tranh giai cấp” càng vặn càng căng, đối với Giang Thanh ngày càng có lợi. Được sự ủng hộ của Khang Sinh, sau đó Mao Trạch Đông cũng đồng ý đem vở kịch lịch sử mới viết “Hải Thụy bãi quan” ra phê phán. Giang Thanh coi như đã có “thượng phương bảo kiếm” trong tay. Dưới sự trợ lực của Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên (lúc đó được xem là cây bình luận văn nghệ trẻ xuất sắc của tờ Giải Phóng nhật báo), Giang Thanh bắt tay vào viết một văn kiện nhằm phê phán tư tưởng của “Hải Thụy bãi quan”. Và trong thời gian 8 tháng, sau nhiều lần thảo luận, nhiều hồi sửa đi sửa lại, cuối cùng Giang cũng nặn ra được một thiên “hùng văn”.
Báo chí Trung Quốc bước vào năm 1965 với hàng loạt bài phê bình nồng nặc “thuốc súng”. Chính trong cái làn sóng gào thét “cần phải phê phán”, “triệt để phê phán” như thế , ngày 7/4, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ra “Phê chuẩn lại việc lãnh đạo Bộ Văn hóa”, miễn nhiệm chức vụ lãnh đạo của Tế Yến Minh và Hạ Diễn. Tiếp đó, phát súng mở màn của Cách mạng văn hóa đã nổ khi trên báo Văn Hối Thượng Hải ngày 10/11 đăng bài phê phán trường thiên đầu đề “Bình luận vở kịch lịch sử Hải Thụy bãi quan” ký tên Diêu Văn Nguyên làm cả báo giới Trung Quốc phừng phực dậy sóng. Giang Thanh đã thực sự vào cuộc.
4. Vị trí của Giang Thanh trên chính trường Trung Quốc ngày càng trở nên đáng sợ. Sau những bài phê bình làm chao đảo giới văn nghệ Trung Quốc, Giang Thanh tiếp tục lấn sâu vào con đường chính trị, trở thành “người cầm cờ” của cuộc Cách mạng văn hóa.
“Bảng tóm tắt” của Giang Thanh cùng một số người trong ê-kíp soạn thảo cuối cũng được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua và trở thành văn kiện “đầu đỏ” được in phát cho toàn Đảng.
Tiếp đó, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mở rộng đã thông qua bảng “Thông báo” – còn gọi là “Thông báo 5.16”. Đó chính là tuyên ngôn của “Cách mạng văn hóa”, là cương lĩnh tiến hành “Cách mạng văn hóa”. Trong “Cách mạng văn hóa” ấy, Giang Thanh là diễn viên sôi nổi, náo động và để lại nhiều “chiến tích” kinh khủng nhất. Giang Thanh trở thành Tổ phó thứ nhất tổ “Cách mạng văn hóa Trung ương”, sau khi tổ trưởng là Trần Bá Đạt, do Mao Trạch Đông chỉ định, bị bệnh nặng.
Sau khi “Thông báo 5.16” được truyền xuống, Bành Chân, lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng và là Thị trưởng Bắc Kinh bị đình chỉ chức vụ. Bắc Kinh trở nên rối loạn với hàng loạt vụ tự sát của các quan chức khác như Đặng Thác, Điền Gia Anh. Chưa dừng lại, sau đó Giang Thanh cùng ê kíp tiếp tục soạn thảo văn kiện: “Báo cáo xin chỉ thị đấu tranh triệt để xóa bỏ sạch sành sanh đường lối đen chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội, chống tư tưởng Mao Trạch Đông của Bộ Văn hóa”, tuyên bố phải “đào xới càn quét”, “triệt để tẩy sạch” đối với giới văn nghệ.
Ngày 28/11/1966 hơn hai vạn người đến lèn chặt nhà hội trường Đại hội nhân dân để cổ vũ cho Giang Thanh tại “Đại hội Cách mạng văn hóa vô sản của giới văn nghệ thủ đô”. Vậy là Giang Thanh đã lên làm “thủ lĩnh” của “Cách mạng văn hóa”.
Tuy nhiên, quá khứ không đẹp đẽ gì của Lam Bình luôn làm cho Giang Thanh day dứt trong tim. Giang Thanh muốn che đậy những cái xấu đó vì biết nếu lộ ra sẽ làm tổn hại danh tiếng “người cầm cờ”. Lam Bình của Thượng Hải năm đó cần phải chết đi.
Chuyện thất bại trong việc tranh giành với Vương Oanh vai diễn của vở “Trại Kim Hoa” Giang Thanh cũng chưa quên được giận. Dưới sự chỉ đạo của Giang Thanh, gia đình của Vương Oanh bị hại cho tan nát, còn Vương Oanh thì bị bức cho đến chết dù đã trốn sâu ở một vùng xa xôi hẻo lánh. Vương Oanh bị đội thêm cho cái mũ “đặc vụ của Mỹ”, “kẻ phản bội”, “phản cách mạng”. Giang Thanh đã lệnh cho mật vụ tra khảo Vương Oanh cho đến tê liệt, toàn thân co giật, không nói được. Ngày 3/3/1975, Vương Oanh chết một cách oan uất trong tù.
Ngay cả đến ân nhân của mình Gianh Thanh cũng lấy oán trả ân. Đó là trường hợp của cô hầu Tần Quế Trinh – người theo hầu hạ Lam Bình trong thời gian cô ở Thượng Hải. Sợ cô hầu năm xưa biết quá nhiều chuyện nên Giang Thanh sai đặc vụ đưa cô vào lao tù 7 năm trời. Ngay cả Chương Dẫn, người tình cũ, lúc đó đang là Viện trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Học viện Điện ảnh cũng bị đẩy vào con đường chết. Rồi đến Tôn Duy Thế, nữ đạo diễn Đoàn kịch nghệ thuật Thanh niên Bắc Kinh, nơi Giang Thanh từng công tác cũng bị xích tay hạ ngục. Bà bị “nhốt chặt” trong ngục cho đến chết một cách thê thảm.
Bàn tay của Giang Thanh không dừng lại ở đó. Sau những đòn trả tư thù, Giang Thanh tiếp tục điên cuồng đánh đổ, bức hại các công huân. Người đầu tiên chịu đòn là Đào Chú, người từng được Giang Thanh đưa lên trên trong danh sách Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc để trấn áp Đặng Tiểu Bình nhưng Đào Chú không theo những suy nghĩ của Giang Thanh nên bị gán tội “phái bảo hoàng lớn nhất của Trung Quốc, độc hành độc đoán”, làm cho cả Bắc Kinh dấy lên làn sóng điên cuồng lật đổ Đào Chú.
Giang Thanh tiếp tục cuộc truy quét khi với tay đến tận Thành Đô bắt Bành Đức Hoài, người bị xem là Hải Thụy trong suy nghĩ của Giang Thanh dù lúc này Bành Đức Hoài đã được Mao Trạch Đông phục nhiệm và đang lãnh quân ở phía Tây Nam. Bành Đức Hoài bị truy bắt và tống giải về Bắc Kinh, bị đấu tố đánh đập dã man. Cuối cùng vị tướng quân tiếng tăm lừng lẫy chiến trường phải nuốt uất hận mà chết trong tù ngục.
Vụ án để lại dấu ấn của Giang Thanh nhất có lẽ là vụ bức Lưu Thiếu Kỳ. Giang Thanh vì ghen ghét với Vương Quang Mỹ mà làm cho gia đình Lưu Thiếu Kỳ phải tan nát. Vin vào sự việc vợ Lưu Thiếu Kỳ là Vương Quang Mỹ khi đi thăm Miến Điện cùng Lưu Thiếu Kỳ có đeo sợi dây chuyền vàng mà Giang Thanh khép tội là theo tư sản, rồi bị đánh thành “Gián điệp tình báo chiến lược” của Mỹ. Giang Thanh kích động vợ trước và con của Lưu Thiếu Kỳ phản lại chính bố mình, vu khống Lưu Thiếu Kỳ nhiều tội không thể tưởng, làm ảnh hưởng ghê gớm đến thanh danh của vị Chủ tịch nước.
Giang Thanh lại chỉ huy vở “ác kịch” bắt Vương Quang Mỹ cho bằng được. Sau đó Lâm Bưu phán xử Vương Quang Mỹ tội tử hình “thi hành ngay”. Bản phán quyết đưa lên chỗ Mao Trạch Đông, ông phê bốn chữ “lưu lại dưới đao” mới tạm giữ được mạng của Vương Quang Mỹ. Sau đó Giang Thanh tiếp tục đánh mạnh vào Lưu Thiếu Kỳ, dựa trên những chứng cớ giả tạo biến ông thành “đại phản bội”. Lâm Bưu cũng thuận theo Giang Thanh mà phê duyệt cáo trạng.
Sau đó tại Hội nghị Trung ương 12 khóa VII họp tại Bắc Kinh, trong tình hình rất không bình thường, hội nghị thông qua nghị quyết sai lầm: “Khai trừ khỏi Đảng vĩnh viễn, hủy bỏ mọi chức vụ trong và ngoài Đảng” đối với Lưu Thiếu Kỳ. Tin đó được báo đúng vào sinh nhật bảy mươi của ông. Nghe xong, ông bị sốt cao. Cuối cùng, lúc 6g45 phút ngày 20/11/1969, vị Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã chết thê thảm trong nhà ngục Khai Phong.
5. Thứ tự sắp xếp quyền lực trong thời kỳ Cách mạng văn hóa dần thay đổi về chiều của Giang Thanh. Nếu như tháng 8/1966, trong thứ tự sắp xếp các nhân vật quyền lực của Trung Quốc, Giang Thanh đứng ở cuối bảng thì chỉ một thời gian rất ngắn, đến khoảng tháng 4/1969, vị trí của Giang Thanh đã tiến lên đến thứ tư và chính thức bước vào Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Điều này càng làm cho sự khao khát quyền lực trở nên cháy bỏng trong Giang Thanh.
Giang Thanh muốn tên tuổi của mình được tuyên truyền ra cả thế giới nên nhờ một tác giả người Mỹ tên Roxane Witke soạn cho mình một cuốn sách. Năm 1973, “Hồng đô nữ hoàng đã ra đời” (tên tiếng Anh là Comrade Chiang Ching) in xong. Quyển sách bán rất chạy ở phương Tây. Thế là ước muốn của Giang Thanh đã được toại nguyện. Báo chí phương Tây rần rần đưa các tin tức “sau rèm” về cuốn sách này. Điều này làm cho Mao Trạch Đông vô cùng tức giận.
Giang bắt đầu kết bè với ba nhân vật khác trong Bộ chính trị thành “nhóm bốn người” để tăng thêm thế lực. Dựa trên phong trào “phê Lâm phê Khổng” (tức Lâm Bưu – người đã tử vong trong vụ trốn thoát khi bị phát hiện mưu đồ đảo chính vào ngày 9/3/1971 và Khổng Khâu) để chĩa mũi công kích vào Thủ tướng Quốc vụ viện Chu Ân Lai hòng lật đổ ông.
Tiếp đó, Giang lại câu kết với Mao Viễn Tân (người liên lạc giữa Mao Trạch Đông và Trung ương Đảng) để đả kích Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình. Lúc đó Đặng Tiểu Bình rất có uy tín trên chính trường và là người Mao Trạch Đông chọn tiếp nhiệm sau này. Với khả năng kích hoạt và tài diễn viên của mình, Giang Thanh đã làm méo mó nhiều chuyện và bưng bít nhiều nguồn tin khác nhau để đẩy Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình – 2 cái đinh lớn nhất trong mắt Giang Thanh đi đến ngõ cụt.
Chu Ân Lai chết, Đặng Tiểu Bình bị gán vào phái “hữu khuynh”, bị tước bỏ hết mọi chức vụ trong ngoài Đảng, điều đó làm cho Giang Thanh nhảy cẫng lên vui sướng. Giang Thanh bỗng trở nên bận rộn khác thường.
Ngày 2/3/1976, Giang Thanh tự ý triệu tập mười hai tỉnh thành, khu về họp hội nghị. Một mặt tấn công tiếp vào Đặng Tiểu Bình, mặt khác tâng bốc mình đến tận mây xanh. Giang Thanh ví mình như Võ Tắc Thiên, Lữ Hậu. Rõ ràng “mộng nữ hoàng” của Giang Thanh đã lộ quá rõ. Giang Thanh muốn là Lữ Hậu của thế kỷ 20, muốn là “Nữ hoàng không vương miện”.
Giang Thanh không ngờ rằng mọi thứ đang dần sụp đổ phía sau lưng mình. Khang Sinh – người sát cánh bên Giang Thanh bao nhiêu năm, trước khi lâm chung, ngày 16/2/1975 đã tiết lộ một bí mật khủng khiếp cho Mao Trạch Đông: “Giang Thanh, Trương Xuân Kiều trong lịch sử đều là những kẻ phản bội”. Khang Sinh còn nói thêm: “Có thể tìm hai người biết sự việc, một là Vương Quan Lan, một là Ngô Trọng Siêu. Hai người này có thể chứng thực Giang Thanh, Trương Xuân Kiều là phản bội”.
Bản thân Mao Trạch Đông đã hiểu lắm cái mộng của Giang Thanh nên cũng nhiều lần phê bình, can ngăn. Nhưng Giang Thanh vẫn không thấy được hậu họa đang nằm trên đầu mình. Nói cho đúng, Giang thấy nhưng bất chấp. Ngày 4/4/1976, người người như biển sóng tập trung nơi Thiên An Môn (Bắc Kinh) để tưởng niệm Chu Ân Lai và đả đảo “Nữ hoàng không vương miện”.
Đầu tháng 6/1976, sự kiện Mao Trạch Đông chết đã gây ra “một trận động đất chính trị” ở Trung Quốc còn đối với Giang Thanh là một cơ hội tốt. Mộng nữ hoàng của Giang đã sắp đạt được. “Nhóm bè lũ bốn tên” khẩn trương cướp đoạt quyền lực tối cao, mà Giang Thanh là ngọn cờ đầu. Giang Thanh câu kết với Mao Viễn Tân điều binh từ Quân khu Thẩm Dương đến Bắc Kinh và khuấy lên làn sóng lộn xộn trong nội bộ Đảng. Giang không ngờ rằng mình đang bị đưa vào tròng từ từ. Số phận Giang Thanh đã được định đoạt bởi chính những gì Giang đã làm.
Chiều ngày mồng 6/10/1976, Trương Diệu Từ – lúc đó là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – thừa lệnh của Thường vụ Bộ Chính trị đi bắt Giang Thanh và bè lũ của Giang. Giang Thanh khi nghe tin mình bị bắt chỉ sa sầm nét mặt chứ không la lối, gào thét. Có lẽ vì bản thân Giang cũng biết rằng có một ngày mình sẽ như thế. Đêm đó, Giang cùng các thành viên của bè lũ bốn tên bị đưa xuống một phòng ngầm dưới đất của Trung Nam Hải.
Chiều ngày 20//11/1980, người dân Trung Quốc đến chật ních nhà số 1 đường Chính Nghĩa, Bắc Kinh để xem tòa án đặc biệt của Pháp viện Nhân dân tối cao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mở phiên tòa xét xử tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh, tổng cộng mười sáu người.
Giang Thanh khi ra tòa vẫn trang điểm chỉn chu như một diễn viên và ánh mắt luôn tỏ ra cao ngạo. Trong suốt thời gian xét xử, khác với Trương Xuân Kiều chỉ biết im lặng, không nói câu nào, Giang luôn nói liến thoắng, cãi bào chữa. Nhưng lưới trời lộng lộng, thưa mà khó lọt, Giang Thanh bị kết tội tổ chức, lãnh đạo phản cách mạng, âm mưu đảo lộn Chính phủ, dấy động tuyên truyền phản cách mạng, vu cáo hãm hại. Tòa tuyên án tử hình, hoãn thi hành án hai năm.
Các nhân chứng kể lại, khi nghe hai tiếng tử hình, Giang Thanh đã lăn ra kêu khóc, chỉ đến khi người cảnh vệ nhắc lại “hoãn thi hành án hai năm” Giang mới như người hoàn hồn, ngoan ngoãn từ dưới đất bò dậy. Hết hạn hoãn tử hình, Giang Thanh được giảm án còn chung thân.
Những ngày cuối đời, Giang Thanh sống mòn mỏi trong tù, đối diện với lương tâm và tội ác của mình. Không chịu được điều ấy, Giang Thanh đã tự sát vào ngày 14/5/1991.