Hói đầu do tác động của một thành phần của nội tiết tố nam testosterone, loại hormone có tên là dihydrotestosterone (DHT).
Chúng ta đã trải qua một quá trình dài lâu hiểu sai về chứng hói.
Aristotle thì cho rằng nguyên nhân là do tình dục. Thời La Mã cổ, nạn dịch tróc da đầu trong quân đội được cho là bởi những chiếc mũ sắt nặng nề mà người lính đội trên đầu. Sau đó lại có những thuyết nói đó là do “chứng não khô”, do ô nhiễm không khí, hay do cắt tóc hỏng.
Vào năm 1897, làn sóng sợ hãi lan khắp toàn cầu sau khi một bác sỹ da liễu tuyên bố ông đã phát hiện ra thủ phạm thực sự: một loại vi khuẩn.
Các ông thợ cạo và các phóng viên y khoa vội vã tuyên bố rằng ta cần phải luộc chín lược thường xuyên, và trong bất kỳ trường hợp nào cũng thì những người hói cũng cần dùng lược riêng.
Nay thì chúng ta biết rằng chứng hói là do tác động của một thành phần của nội tiết tố nam testosterone, loại hormone có tên là dihydrotestosterone (DHT).
Khi còn trong tử cung, hormone này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bộ phận sinh dục nam. Ở tuổi trưởng thành, nó khiến cho nang tóc co lại.
Với tác động của DHT, phần tóc trưởng thành trên đầu người đàn ông bị chuyển thành ngắn, tơ mềm như tóc trên đầu trẻ sơ sinh.
Và bởi nó là một sản phẩm của nội tiết tố nam testosterone, bạn có thể cho rằng càng nhiều testosterone thì đồng nghĩa với càng nhiều DHT và tức là càng nhiều tóc rụng.
Thực ra thì chỉ cần ít đã đủ gây hói. Độ nhạy cảm của nang tóc là lý do khiến bị hói, mà điều này lại là điều người đàn ông được thừa hưởng từ mẹ mình.
Ở đây, yếu tố thừa hưởng là rất quan trọng. Đến lúc sinh nhật 30 tuổi, tức là còn lâu nữa họ mới hết tuổi sinh sản, 25-30% nam giới bắt đầu ít nhiều rụng tóc.
Không chỉ vậy, mà hiện tượng này xuất hiện ở mọi nhóm sắc dân trên thế giới.
Chữa hói khó và tốn kém
Cướp biển Viking dùng kem làm từ phân ngỗng. Danh y Hy Lạp cổ đại Hippocrates tin rằng cách tốt nhất để chữa chứng hói đầu là dùng phân bồ câu trộn với củ cải, thìa là Ai Cập và lá han.
Công thức của người Ai Cập, có từ 5.000 năm trước, thì trộn than lấy từ lông nhím đốt cháy với dầu, mật ong, thạch cao tuyết hoa (alabastar), đất đỏ và móng tay cắt nhỏ, rồi bôi lên chỗ hói.
Kể từ khi phái nam biết đến gương, họ đã biết khó chịu về việc thiếu tóc trên đầu.
Julius Caesar đã làm mọi cách để có thể mọc tóc trở lại. Thậm chí vòng nguyệt quế ông đội trên đầu cũng là một cách để ông che đi khoảng trống thiếu tóc chứ chả liên quan gì tới truyền thống hay thói quen gì của người La Mã cổ.
Vào lúc gặp Cleopatra, ông gần như đã hói nhẵn bóng.
Trong nỗ lực thể hiện tình yêu, Nữ hoàng khuyên ông bôi thứ thuốc làm từ chuột xay, răng ngựa và mỡ gấu.
Chẳng tích sự gì. Ông rụng gần hết tóc, giống như nhiều người đàn ông vĩ đại trước đó và về sau này, như Socrates, Napoleon, Aristotle, Gandhi, Darwin, Churchill, Shakespeare và Hippocrates – những người dù đã dùng phân chim bồ câu, nhưng vẫn hói nặng.
Rồi cuối cùng Caesar bắt đầu nuôi tóc dài phía sau để chải vắt ngang đầu, cách mà nhiều người hói ngày nay vẫn dùng.
Hàng nghìn năm sau, chúng ta đã chuyển sang thử nghiệm những công thức mới khác nhau, thậm chí còn dùng cả biện pháp phẫu thuật.
Ngày nay, bạn có thể tới một trung tâm chuyên chữa hói, đăng ký nghe tư vấn về chứng này, và những đoạn quảng cáo kêu gọi người hói đi gặp bác sĩ không phải là chuyện hiếm gặp.
Trên toàn cầu, chúng ta tiêu tốn 3,5 tỷ đô la cho việc điều trị hói mỗi năm. Con số này nhiều hơn toàn bộ ngân sách quốc gia của Macedonia, hay như Bill Gates nêu ra hồi năm ngoái, là nhiều hơn đáng kể so với khoản chi đối phó bệnh sốt rét (chỉ có 200 triệu đô la mỗi năm).
Doanh số bán thuốc chống rụng tóc Propecia, vốn liên quan tới tình trạng liệt dương, đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2014 (264 triệu đô la). Việc cấy tóc thì khét tiếng là tốn kém.
Theo một khảo sát hồi 2009 của Hiệp hội Quốc tế về Phẫu thuật Khôi phục Tóc, có tới gần 60% nam giới thà có mái tóc đầy đặn trên đầu còn hơn là có tiền hoặc nhiều bạn bè.