Mạng xã hội Lotus sau thời gian ra mắt hoành tráng đã trở nên nhạt nhòa, đang bị lãng quên dần vì thiếu điểm nhấn.
Nhận xét về mạng xã hội Lotus, TS Nguyễn Đức An, Phó Giáo sư ngành Báo chí tại Đại học Bournemouth (Anh), nói rằng cần thêm thời gian để có thể nhận định kỹ lưỡng hơn về khả năng thành công của Lotus.
“Trên thực tế, họ ra mắt rầm rộ nhưng có lẽ là hơi vội vì hiện vẫn chưa có giao diện trên web, chỉ là một ứng dụng trên thiết bị di động,” ông An nói.
Tuy nhiên, ông An nhận xét sơ khởi rằng, hai cột trụ mà Lotus muốn xây dựng để thu hút người dùng – nội dung và sự trải nghiệm của người dùng – “thất bại ngay từ vài quan sát trực quan ban đầu”.
”Ai vào trang chủ, sẽ thấy màu sắc và đồ hoạ hơi loè loẹt, buồn tẻ và quan trọng nhất là thiếu tính trực quan. Ai tiến bước nữa để vào ứng dụng thì thấy cấu trúc giao diện không có sắc thái gì riêng, trông cũng hao hao giống Facebook hay Twitter.”
”Còn nội dung thì có vẻ rất nhiều thứ vô thưởng vô phạt, với lượng tin bài gái xinh-trai đẹp và những chuyện cướp-giết -hiếp chiếm tỉ trọng lớn. “Dòng trạng thái đầu tiên tôi nhận trên Lotus là hình ảnh từ một tài khoản gọi là Hội Gái xinh Việt Nam.”
Ông Kevin Doan, Giám đốc điều hành và cũng là người sáng lập (CEO & Founder) của Reputable Asia, một công ty chuyên ứng dụng kỹ thuật vào tiếp thị số tại Việt Nam, nhận xét là buổi ra mắt của Lotus tuy rất hoành tráng, nhưng đó là cái hoành tráng của một công ty chuyên kinh doanh một ngành nghề nào đó rất cao cấp, chứ không cho thấy đây là sản phẩm về công nghệ.
“Cảm giác những người đang làm Lotus đang cố tạo ra những cái buzz chứ không phải là những người quá thành thạo về việc phát triển mạng xã hội. Ngay cả về tính năng cũng rất thiếu soát như Lotus định hướng desktop, trong khi truy cập mạng xã hội bằng moblie hiện chiếm số lượng áp đảo”, ông nói.
Cùng ngày, ông Lê Ngọc Sơn (Nghiên cứu sinh tại Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức), trong khi đó, cho biết dù ông rất ủng hộ việc xây dựng và phát triển một mạng xã hội của Việt Nam, nhưng cảm nhận ban đầu về Lotus là có quá nhiều lỗi về kỹ thuật. Bên cạnh đó, có một số nghịch lý đáng chú ý.
“Chẳng hạn, tuyên ngôn của Lotus là mạng xã hội thuần Việt, nhưng lại có tên tiếng Anh – Lotus, thuần Việt phải là “Sen” chứ?. Thứ hai, họ nói là mạng xã hội dựa trên nội dung, nhưng nội dung kiểu gì mà khi vào thì toàn nội dung rẻ tiền; không hấp dẫn để người dùng tạo nội dung trên đó. Mạng xã hội này đang có cách tiếp cận chưa ổn về thực tiễn. Họ nhắm đến những người có ảnh hưởng trên mạng (Key opinon leaders – KOLs), họ mời đến buổi ra mắt của họ cũng như đề cập nhiều đến chuyện này trong các quảng cáo của họ. Nhưng vấn đề là họ muốn nhắm đến KOLs hay nhắm đến người dùng? Trong khi mạng xã hội tồn tại được là nhờ người dùng và chính người dùng tạo ra các KOLs chứ không phải ngược lại. Tôi cho rằng, cách tiếp cận như vậy là “khôn” nhưng chưa “ngoan.”
Mạng xã hội hay chỉ là mạng nội dung?
Lotus ra đời với triết lý “Content is King” (Nội dung là vua). Tuy nhiên, với nhãn quan của một người nghiên cứu về báo chí, TS Nguyễn Đức An cho rằng, đây là một xuất phát điểm không ăn nhập, nếu không nói là trái ngược với yếu tố ‘xã hội'” trong ‘mạng xã hội.’
Ông nói:
“Lotus bắt đầu từ nội dung để lôi kéo sự tương tác. Trong khi mô hình mạng xã hội lâu nay là ngược lại. Họ không bắt đầu từ nhu cầu thông tin hay nội dung mà từ một nhu cầu rất con người: nhu cầu được thấy mình đang sống giữa cộng đồng (a sense of belonging). Trên cơ sở đó, họ xây dựng một nền tảng (platform) giúp người dùng được tự do tương tác, biểu đạt với thế giới bên ngoài, để họ thoả mãn nhu cầu sống giữa cộng đồng đó. Nội dung đến từ các tương tác xã hội, chứ không phải ngược lại.
Đó là lý do vì sao Facebook trở thành hãng truyền thông lớn nhất thế giới mà không hề sản xuất một tí nội dung nào. Với mạng xã hội, nền tảng là vua, chứ không phải nội dung là vua.”
TS An nói thêm:
“Ở thời điểm này, tôi chỉ có thể nói, về bản chất, Lotus giống như một trang web tích tụ thông tin từ các nguồn họ tự tổ chức sản xuất hoặc thu thập từ nguồn khác, có bổ sung thêm tính năng khuyến khích người dùng đánh giá, chia sẻ nội dung thông qua hệ thống thu lượm và đổi chác token. Nói cách khác, là một tờ báo với giao diện có vẻ như của mạng xã hội. Yếu tố kết nối và tương tác xã hội giữa người với người gần như mờ nhạt, thứ yếu. Triết lý đó rõ ràng là không thích hợp với môi trường số. Và nên gọi đó là mạng nội dung thì đúng hơn. Đó là tôi chưa nói đến chuyện, nội dung được chia sẻ trên đó như thế nào.”