Từ chỉ trạng thái là động từ chỉ trạng thái như vui, buồn, giận dữ… là những vận động diễn ra ở bên trong hoặc tự thân diễn ra (không có tác động nào cả), chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được.
Từ chỉ hoạt động là những từ chỉ sự vận động hướng ra phía bên ngoài, mình có thể nhìn thấy được. Ví dụ: đi, nói, cười, khóc, hạ, viết…
Từ chỉ trạng thái là những vận động diễn ra ở bên trong hoặc tự thân diễn ra (không có tác động nào cả), chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được. Ví dụ: nghĩ, buồn, vui, ghét, rơi, ngã, chết, sống…
Đặc điểm ngữ pháp nổi bật nhất của từ chỉ trạng thái là: nếu như động từ chỉ hoạt động, hành động có thể kết hợp với từ “xong” ở phía sau (ăn xong, đọc xong …) thì từ chỉ trạng thái không kết hợp với “xong” ở phía sau (không nói: còn xong, hết xong, kính trọng xong…).
Trong tiếng Việt có một số loại từ chỉ trạng thái sau :
+ Từ chỉ trạng thái tồn tại (hoặc trạng thái không tồn tại) :còn, hết, có,…
+ Từ chỉ trạng thái biến hoá: thành, hoá,…
+ Từ chỉ trạng thái tiếp thụ : được, bị, phải, chịu,…
+ Từ chỉ trạng thái so sánh : bằng, thua, hơn, là,…
Một số động từ sau đây cũng được coi là từ chỉ trạng thái: nằm, ngồi, ngủ, thức, nghỉ ngơi, suy nghĩ, đi, đứng, lăn, lê, vui, buồn, hồi hộp, băn khoăn, lo lắng… Các từ này có một số đặc điểm sau:
+ Vừa được coi là động từ chỉ hành động, lại vừa được coi là từ chỉ trạng thái.
+ Khi chuyển nghĩa thì được coi là từ chỉ trạng thái (trạng thái tồn tại).
VD : Bác đã đi rồi sao Bác ơi ! (Tố Hữu )
Anh ấy đứng tuổi rồi.
+ Một số từ mang đặc điểm ngữ pháp của tính từ (kết hợp được với các từ chỉ mức độ).
Các động từ sau đây cũng được coi là từ chỉ trạng thái (trạng thái tâm lí): yêu, ghét , kính trọng, chán, thèm, hiểu… Các từ này mang đặc điểm ngữ pháp của tính từ, có tính chất trung gian giữa động từ và tính từ.
Có một số động từ chỉ hành động dược sử dụng như một động từ chỉ trạng thái.
VD: Trên tường treo một bức tranh.
Dưới gốc cây có buộc một con ngựa.
Động từ chỉ trạng thái mang một số đặc điểm về ngữ pháp và ngữ nghĩa giống như tính từ. Vì vậy, chúng có thể làm vị ngữ trong câu kể: Ai thế nào?