Chạy vào đại học Mỹ là một đường dây 25 triệu USD bị phanh phui tháng 3/2019 mà ở đó, 50 phụ huynh giàu có, nổi tiếng không tiếc tiền để con cái chắc suất vào các trường danh giá nhất Mỹ mà không phải học hành, thi cử nghiêm túc.
Người cầm đầu đường dây này là William Singer, 58 tuổi, người sáng lập trường dự bị đại học The Edge College & Career Network. Tại tòa án thành phố Boston, Singer thừa nhận đã giúp các gia đình giàu có, quyền thế nhất ở Mỹ chạy suất học cho con họ vào các trường đại học danh tiếng như Yale, Stanford, Georgetown, Nam California…
Để được một suất chạy học trong đường dây của Singer, mỗi phụ huynh phải trả từ 15.000 – 75.000 USD. Dù vậy, để bảo đảm trúng tuyển một cách trót lọt, nhiều phụ huynh phải chấp nhận chi hàng triệu USD cho Singer.
Jane Buckingham, Giám đốc một công ty marketing ở thành phố Los Angeles khai báo với cảnh sát rằng cô đồng ý trả 50.000 USD cho Singer để tìm người thi hộ con trai mình.
Trong khi đó vào năm 2012 và năm 2017, Elisabeth Kimmel, chủ một công ty truyền thông, cũng đã hai lần “nhờ vả” Singer với số tiền lên đến hơn một triệu USD cho con trai và con gái của mình vào trường Georgetown và Đại học Nam California.
Vợ chồng ngôi sao điện ảnh Lori Loughlin thừa nhận đã chi tổng cộng 500.000 USD để hai con của họ được đưa vào đội tuyển bơi thuyền của Đại học Nam California.
Nữ diễn viên Felicity Huffman cũng đã chi 15.000 USD chạy trường cho cô con gái lớn. Nữ diễn viên này thậm chí có ý định “chạy” cho đứa con thứ hai của mình, song sau đó đã quyết định từ bỏ.
Sau khi bảo đảm con mình “chắc suất” vào các trường danh tiếng, các bậc phụ huynh sẽ trả tiền cho Singer dưới hình thức đóng góp vào một quỹ từ thiện có tên là “The Key” mà Singer sáng lập.
Ước tính, đường dây “chạy trường” của Singer kiếm được tới 25 triệu USD trong thời gian từ năm 2011 – 2018. Singer hiện đối mặt với hàng loạt cáo buộc, trong đó có rửa tiền, cản trở công lý. Nếu bị buộc tội, Singer có thể nhận án phạt hơn 1 triệu USD và 65 năm tù.
Chạy vào đại học Mỹ như thế nào?
Theo The New York Times, để trúng tuyển vào các trường đại học tại Mỹ, trước tiên các thí sinh phải trải qua bài thi SAT và ACT (đánh giá năng lực, và làm tiêu chuẩn xét tuyển vào hệ thống đại học ở Mỹ). Singer chạy trường cho các thí sinh theo nhiều cách, như thuê người thi hộ, hối lộ giám thị để nhắc bài cho học sinh, hoặc hối lộ người có thể sửa lại bài thi cho học sinh sau khi bài thi đã được gửi đi chấm điểm…
Chịu trách nhiệm thi hộ cho các thí sinh là Mark Riddell, 36 tuổi, sống ở Palmetto, Florida. Riddell là người có thực lực, từng theo học đại học danh tiếng Harvard, hiện là Giám đốc phụ trách công tác chuẩn bị kiểm tra đầu vào cao đẳng tại Học viện quần vợt IMG. Ridell đều tự mình làm bài cho các thí sinh mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào. Mỗi lần thi hộ cho thí sinh trong đường dây của Singer, Riddell nhận được khoảng 10.000 USD.
Ngoài việc thuê Riddell thi hộ, Singer cũng hướng dẫn để phụ huynh học sinh làm giả hồ sơ cho con cái họ để được ưu tiên đặc biệt khi tham gia tuyển sinh vào các trường đại học danh tiếng. Phụ huynh sẽ dùng hồ sơ y tế giả, trong đó khẳng định con cái họ bị khuyết tật, hoặc khiếm khuyết trong khả năng học tập nên các thí sinh được ưu tiên làm bài thi trong phòng thi đặc biệt chỉ có một giám thị, thậm chí kéo dài hai ngày. Đây chính là cơ hội để các thí sinh cũng như phụ huynh có thể gian lận trong thi cử.
Không chỉ vậy, tại Mỹ, các huấn luyện viên thể thao đóng vai trò quan trọng trong quá trình tuyển sinh. Họ có thể đề nghị giới thiệu với ban tuyển sinh một số thí sinh có tiềm năng thể thao. Các thí sinh này có thể được đặc cách vào trường đại học mà không phải đạt số điểm SAT hay ACT quá cao. Lợi dụng điều này, đường dây của Singer đã liên hệ và hối lộ các huấn luyện viên thể thao nhằm tạo ra các hồ sơ giả giúp thí sinh vượt qua vòng xét loại hồ sơ.
Trong đường dây của Singer có Rudolph Meredith, huấn luyện viên đội bóng đá nữ của Trường đại học Yale từ năm 1995 đến tháng 11/2018. Meredith hợp tác với Singer từ tháng 4/2015. Mỗi lần gian lận hồ sơ thành công, Meredith được Singer trả khoảng 400.000 USD. Tuy nhiên, chính từ một “phi vụ” cách đây khoảng một năm, khi Meredith cố tình “qua mặt” Singer để làm việc trực tiếp với các phụ huynh, đã khiến đường dây của Singer bị cảnh sát phát hiện và điều tra.
Theo Reuters, bê bối chạy trường đang tác động khá lớn tới tâm lý của giáo viên, sinh viên và các học sinh chuẩn bị thi tuyển đại học và cả các bậc phụ huynh. Alicia Semon, giáo viên Trường trung học John Marshall cho biết: “Không thể tin chuyện này lại có thể xảy ra. Khi biết chuyện, tôi và học sinh rất buồn. Các học sinh của tôi học tập rất chăm chỉ để có thể được vào đại học, nhưng mỗi suất chạy trường đã cướp đi một cơ hội của những người thật sự có khả năng. Tôi động viên các em hãy nỗ lực, nhưng với tình trạng này, tôi không chắc lúc nào sự nỗ lực cũng được đền đáp xứng đáng”.
Trong khi đó, Connor Finn, một học sinh đang đợi phản hồi từ các trường đại học mà mình nộp đơn cũng cảm thấy khá bức xúc khi cho biết, bản thân cậu đã rất cố gắng để dành được điểm A cho các môn học, thế mà lại có những người chẳng cần cố gắng, chỉ bỏ ra hàng chục nghìn, thậm chí hàng triệu USD là có được kết quả mà người khác phải rất nỗ lực mới có”. Hiện, chính quyền Mỹ đang xem xét khả năng xử lý các sinh viên từng đi “cửa sau” để vào các trường đại học. Bởi, nhiều sinh viên trong số đó không hề biết rằng mình đã được các bậc phụ huynh “chạy học”.
Các phụ huynh trong vụ chạy trường này đối mặt với các tội danh như rửa tiền, hối lộ và mức án phạt có thể lên đến 10 năm ngồi tù, sau đó bị giám sát 3 năm sau khi được thả, cùng với khoản tiền phạt đến hàng trăm ngàn đô la.
Bê bối chạy vào đại học Mỹ đã tác động đến khoảng 200 trường đại học của nước Mỹ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng ngành giáo dục nước này. Đây là bê bối mới nhất trong loạt vụ việc gây chấn động liên quan tuyển sinh vào các trường đại học hàng đầu. Trước đó, vào năm 2016, College Board, cơ quan giám sát bài thi SAT, cũng gặp sự cố vi phạm an ninh làm lộ hàng trăm câu hỏi dự kiến.
Các chuyên gia trong ngành giáo dục cho rằng, không chỉ gây phẫn nộ trong công chúng, hoạt động của đường dây chạy trường nêu trên còn cho thấy những kẽ hở trong quá trình tuyển sinh tại các trường đại học Mỹ, yêu cầu các nhà chức trách nước này phải có những biện pháp thắt chặt công tác quản lý trong thời gian tới.