Lịch Hy Lạp: Giống như người Ai Cập, người Hy Lạp vào thuở ban đầu đã dùng lịch mặt trời. Một tháng của họ gồm có 30 ngày.
Về sau họ đã sửa lại lịch để có các tháng đầy (mois pleins) với 30 ngày và các tháng vơi (mois caves) với 29 ngày xếp đặt xen kẽ nhau. Tuy nhiên thứ lịch này vẫn chưa thích hợp với bốn mùa nên các hoạt động nơi đồng áng thường được căn cứ vào sự mọc và lặn của các ngôi sao mọc cùng một lúc với mặt trời.
Người dân quê Hy Lạp cũng như người dân chài lưới quá quen thuộc với cách quan sát bầu trời, nên họ có thể tiên đoán thời tiết một cách khá chính xác. Ngoài ra tính thực nghiệm này còn được nhiều nhà thiên văn danh tiếng lưu tâm và nghiên cứu như Méton, Eudoxe, Callippe, Hipparque, Ptolémée…
Người Hy Lạp coi ngày bắt đầu vào lúc hoàng hôn. Vào thời Homère (thế kỷ thứ 9 và thứ 8 trước Tây Lịch), ban ngày cũng như ban đêm chỉ được phân chia một cách kém rõ ràng. Tới khi nhật quỹ (cadran solaire, một loại đồng hồ mặt trời) là thứ được dùng rất lâu tại Babylone, du nhập vào Hy Lạp thì người dân tại nơi đây mới biết tới một dụng cụ đo thời gian. Người ta còn cho rằng chính Anaximandre đã dạy cho đồng bào của ông biết cách dùng nhật quỹ. Tới thế kỷ thứ 2 trước Tây Lịch, đồng hồ nước (clepsydre) mới thấy xuất hiện tại Hy Lạp, nhưng số giờ của ban ngày và của ban đêm không bằng nhau và thay đổi theo từng mùa.
Người Hy Lạp rất quan tâm về tháng. Họ chia tháng ra làm 3 đợt, mỗi đợt 10 ngày (décades). Trong các tháng vơi, đợt thứ ba chỉ có 9 ngày. Ngày đầu tiên trong tháng được gọi là néoménia có nghĩa là trăng mới (nouvelle lune) do chữ mênè là mặt trăng. Trong 2 đợt 10 ngày đầu, người ta gọi các ngày theo thứ tự trong đợt, rồi vào đợt cuối cùng, mặt trăng biến dần nên các ngày được gọi là ngày thứ 9 trước khi mặt trăng biến mất, ngày thứ 8… cứ như thế cho tới ngày cuối cùng của tháng được gọi là ngày thứ 30 (triacade).
Do các tháng lần lượt có 30 và 29 ngày, nên tổng số ngày trong một năm chỉ được 354 ngày vì thế, ngay cả vào thời đại Solon, cứ 2 năm người ta phải thêm vào 1 tháng thứ 13. Tới thời đại Hérodote, cứ 3 năm lịch lại có thêm 1 tháng rồi dần dần trong một chu kỳ 8 năm (octaétéride), có 3 tháng nhuận 30 ngày bổ xung vào các năm thứ 3, thứ 5 và thứ 8. Như vậy trong một chu kỳ 8 năm gồm 99 tháng lần lượt là đầy và vơi, kể cả 3 tháng nhuận đầy, tổng số ngày là 2922 và như thế, trung bình một năm là 365 ngày ¼. Người Hy Lạp đã biết tới chu kỳ 8 năm này vào thời trước năm 775 trước Tây Lịch.
Vì một tháng trung bình là 29 ngày 12 giờ 44 phút 2.8 giây nên lịch của người Hy Lạp khi đó vẫn còn ngắn so với tuần trăng, điều này khiến cho mặt trăng xuất hiện chậm hơn so với ngày tháng ấn định. Vì lý do này nên sau 80 năm, sự sai biệt lên tới 2 tuần lễ và người ta đã thấy trăng tròn khi lịch lại chỉ là trăng mới. Trở ngại này khiến cho các ngày tết lễ không còn ăn nhịp với các tuần trăng nữa. Người ta phải tìm cách sửa chữa.
Vào thời bấy giờ tại kinh thành Athènes, nhà thiên văn Méton đã nhận xét rằng: (a) 19 năm mặt trời (365 ngày) có 6,935 ngày, (b) 19 năm mặt trăng (354 ngày) có 6,726 ngày, (c) sự sai biệt giữa hai thời kỳ kể trên là 209 ngày, tương đương với 6 tuần trăng đầy 30 ngày và 1 tuần trăng vơi (7è lunaison cave) 29 ngày. Do các nhận xét này, Méton kết luận rằng sau 235 tuần trăng (19 x 12 = 228 + 7 = 235), mặt trời và mặt trăng sẽ trở lại các vị trí tương đối với nhau như cũ. Theo Diodore, Méton đã phổ biến sự khám phá này vào năm 433 trước Tây Lịch, nhân dịp có tổ chức Thế Vận Hội.
Điều khám phá của Méton đã được các lực sĩ thành Athènes thán phục, họ đã dùng chữ vàng ghi khắc Chu Kỳ Méton lên trên các cổng nơi đền thờ thần Minerve, vì thế số thứ tự của một năm nằm trong Chu Kỳ Méton được gọi là “số vàng” (nombre d’or). Thí dụ: năm 01 của Tây Lịch Kỷ Nguyên có số vàng là 2.
Chu Kỳ Méton có thể được tóm tắt như sau: 5 năm 355 ngày (1,775 ngày) + 7 năm 354 ngày (2,478 ngày) + 6 năm 384 ngày (2,304 ngày) + 1 năm 383 ngày = tổng cộng 6,940 ngày.
Theo nhà thiên văn Bigourdan, Chu Kỳ Méton gồm 6,940 ngày, phân chia cho 235 tháng với 125 tháng đầy và 110 tháng vơi, như vậy 1 năm gồm 365 ngày 5/19 và 1 tháng gồm có 29 ngày 25/47, cả hai khoảng thời gian này còn dài so với thực tế.
Vào khoảng năm 335 trước Tây Lịch, tại thành Athènes có nhà thiên văn Callippe thường liên lạc chặt chẽ với Aristote để tìm cách khai triển hệ thống vũ trụ của Eudoxe. Khi đã về già, Callippe mới đề nghị một phương pháp sửa chữa Chu Kỳ Méton bằng cách mang 4 chu kỳ đó lại thành một chu kỳ 76 năm. Với mỗi khoảng thời gian này, Callippe đề nghị bỏ bớt đi 1 ngày, khiến cho 1 năm gồm 365 ngày ¼ và trong một tháng có 29 ngày 499/940, một trị số khá chính xác.
Tới năm 130 trước Tây Lịch, Hipparque, nhà thiên văn danh tiếng nhất của thời Cổ Hy Lạp, là người đầu tiên nhận thấy rằng 1 năm ngắn hơn 365 ngày ¼. Hipparque đề nghị cứ 4 Chu Kỳ Callippe hay 304 năm, phải bớt đi 1 ngày. Như vậy một năm trung bình của Hipparque là 365 ngày 5 giờ 55 phút (trị số chính thức là 365 ngày 5 giờ 49 phút) và một tháng gồm 29 ngày 12 giờ 44 phút 2 giây, sai biệt 0.8 giây so với trị số chính xác ngày nay.
Mặc dù sự chính xác do nền thiên văn Hy Lạp mang lại cho phép tính lịch, các điều khám phá của Méton, Callippe, Hipparque đều không được dân chúng quan tâm. Người dân Hy Lạp chỉ quen dùng chu kỳ 8 năm và vì vậy, những sửa chữa không được áp dụng vào lịch của dân Hy Lạp.